Một năm, NXB Giáo dục Việt Nam lãi thêm 180 tỉ đồng
Theo tìm hiểu của Lao Động, báo cáo riêng lẻ của Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục Việt Nam) cho thấy, trong năm 2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này đạt khoảng 1.780 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng so với một năm trước đó. Nhìn vào cơ cấu doanh thu cho thấy, doanh thu từ sách giáo khoa chiếm 1.583 tỉ đồng (tăng mạnh so với cùng kì là 1.078 tỉ đồng).
Trong năm, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh từ 939 tỉ đồng (năm 2020) lên 1.236 tỉ đồng (năm 2021). Trong đó, giá vốn sách giáo khoa là chỉ tiêu tăng mạnh nhất khi tăng từ 834 tỉ đồng lên 1.136 tỉ đồng. Kết quả, NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận lợi nhuận gộp năm 2021 xấp xỉ 545 tỉ đồng, tăng 56% sau 12 tháng.
Sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, kết thúc năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi sau thuế 287 tỉ đồng, tăng khoảng 180 tỉ đồng so với năm 2020. Trong khi đó tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản NXB Giáo dục Việt Nam đạt 1.609 tỉ đồng.
So sánh lợi nhuận và tổng tài sản có thể thấy, tỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản tại NXB Giáo dục lên tới gần 18%.
Đây là mức chỉ số lợi nhuận rất cao so với mặt bằng thị trường hiện nay, bởi các ngân hàng hàng đầu Việt Nam như Vietcombank hay Techcombank cũng chỉ đạt mức 2-,32% ở chỉ số này.
Lợi thế từ độc quyền
NXB Giáo dục Việt Nam hiện do Bộ Giáo dục Đào tạo (Bộ GDĐT) nắm giữ 100% cổ phần. Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, theo tài liệu công bố ngày 30.11.2022, ông Lê Hoàng Bách (sinh năm 1966) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty với dữ liệu cập nhật vốn điều lệ gần đây nhất của NXB Giáo dục Việt Nam là 596 tỉ đồng.
Ở thời điểm hiện nay, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Vị thế này dẫn đến việc không quá bất ngờ khi doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam mỗi năm lên đến cả nghìn tỉ đồng.
Một dẫn chứng cụ thể, chỉ riêng trong năm 2021, NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện xuất bản thêm bộ sách mới từ lớp 2 đến lớp 6. Bộ sách mới có giá bán cao hơn so với bộ sách cũ, đồng thời, là năm đầu phát hành, số lượng sách bán ra cũng tăng hơn so với năm 2020. Điều này dẫn đến doanh thu bán sách giáo khoa, sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2021 tăng 40,9% so với năm 2020.
Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam còn thực hiện tăng tỉ lệ chiết khấu theo thị phần đối với bộ sách giáo khoa mới cho các công ty đầu mối phát hành đồng thời với việc thu hồi sách nhằm phục vụ cho việc tặng sách cho năm học 2020-2021. Hai động thái này dẫn đến các khoản giảm trừ doanh thu trong năm 2021 tăng mạnh so với cùng kì năm 2020.
Các kết quả kinh doanh và con số lợi nhuận trong năm 2021 của NXB Giáo dục Việt Nam gây chú ý bởi đây cũng là giai đoạn được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra về công tác quản lí nhà nước về sách giáo khoa tại Bộ GDĐT, NXB Giáo dục Việt Nam và 9 đơn vị trực thuộc khác của Bộ GDĐT.
Trong Kết luận 2303 ban hành cuối tháng 12.2022 về thanh tra chuyên đề công tác quản lí nhà nước về giáo dục, đào tạo giai đoạn 2014-2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra một loạt những tồn động, sai sót của Bộ GDĐT và NXB Giáo dục Việt Nam về sách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.
Một nội dung được công bố gây chú ý là trong giai đoạn 2014-2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại NXB Giáo dục Việt Nam, việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí. Tỉ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lí so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.
Cụ thể, 4 Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục (Miền Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lí cấp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam được hưởng 5%; các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực là đại lý cấp 2 được hưởng từ 7-8%; các đại lí, cửa hàng sách, các trường học là đại lý cấp 3, được hưởng từ 12-13%.
Dấu hiệu lợi ích nhóm, gia đình học sinh
gánh thêm 2.400 tỉ đồng
Kết luận 2303 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khi thanh tra về công tác quản lí nhà nước về sách giáo khoa được biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000 của Quốc hội, tại thời điểm thanh tra, Bộ GDĐT không cung cấp được bản thảo mẫu sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu sách giáo khoa hiện hành với bản thảo mẫu, thể hiện việc buông lỏng trong công tác lưu trữ.
Từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, có tới 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách được in, phát hành và bán được tổng hơn 303 triệu bản. Thanh tra Chính phủ cho rằng, trường hợp tính 65% giá sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ việc Bộ GDĐT ban hành văn bản về sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn, gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội rằng sách bài tập được NXB xuất bản là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa. Dẫn đến thực tế hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GDĐT với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Kiến nghị chuyển Bộ Công an xử lí
Căn cứ kết quả thanh tra tại Kết luận 2302, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lí theo quy định, cụ thể:
Nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GDĐT với NXB Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.