Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Về sự cần thiết của việc thực hiện chính sách này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, thách thức và biến động khó lường, mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân là sâu rộng khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Thêm nữa, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí và lệ phí, nhưng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, số thu ngân sách cho thấy xu hướng giảm.
Lũy kế quý 1/2023 chỉ bằng 30,9% dự toán (loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp thì giảm 6% so với cùng kỳ); số thu hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ.
Vì vậy, bên cạnh các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, giảm tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí, thì giảm thuế VAT như áp dụng cho năm 2022 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Chính phủ là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ xây dựng để Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua có 2 điều:
Thứ nhất, điều chỉnh giảm thuế suất thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế suất 10%. Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Trong đó, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế VAT là 8% với hàng hóa, dịch vụ.
Các cơ sở kinh doanh gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Thứ hai là ngày có hiệu lực thi hành của nghị quyết.
Tuy nhiên, chính sách chỉ được áp dụng đến hết ngày 31.12.2023 theo đề xuất của Chính phủ.
Việc áp dụng chính sách theo thời gian trên (dự kiến trong 6 tháng), Chính phủ cho rằng sẽ giảm thu ngân sách khoảng 35.000 tỉ đồng.
Với đề xuất này, việc giảm thuế VAT sẽ áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, khắc phục những khó khăn khi thực hiện chính sách trước đây.
Tức là theo quy định cũ, việc giảm thuế đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã áp dụng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên Chính phủ cho rằng quy định này làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan quan thuế. Do đó, với đề xuất mới là việc giảm thuế VAT áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, sẽ đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.
Người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, do áp dụng giảm thuế VAT sẽ làm giảm giá bán, giảm chi phí trực tiếp của người dân trong tiêu dùng hàng hóa.
Doanh nghiệp sẽ được giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng khả năng phục hồi, đóng góp trở lại cho ngân sách.