Giá vé hấp dẫn
Ông Hoàng Mai Tùng – Phó Giám đốc thường trực Ban quản lý dự án 1 (dự án Metro số 1) cho biết, một trong các phương án giá vé đang được cân nhắc cho tuyến Metro số 1 là tính theo công thức: 8.000 đồng + 800 đồng x số km. Như vậy, tuyến Metro số 1 dài khoảng 20 km sẽ có giá vé từ 9.000 đồng – 23.000 đồng/lượt.
Ngoài vé lượt, để khuyến khích người dân sử dụng, Metro số 1 sẽ có giá vé 48.000 đồng/ngày và 108.000 đồng/3 ngày. Theo ông Tùng, hành khách mua hai loại vé này không giới hạn lượt sử dụng trong ngày.
Riêng giá vé tháng đối với hành khách phổ thông là 330.000 đồng/tháng (tương đương 11.000 đồng/ngày) và đối với học sinh, sinh viên là 165.000 đồng/tháng (tương đương khoảng 5.500 đồng/ngày).
“Giá vé tháng rất phù hợp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe buýt. Từ đó, thu hút người dân sử dụng cũng như dần chuyển đổi thói quen của người dân khi sử dụng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn” – ông Tùng nói.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), phương án giá vé Metro số 1 đang chờ Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh xem xét, cho ý kiến để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Giá vé Metro số 1 đắt hay rẻ?
PGS.TS Vũ Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Đại học Việt Đức) – thuộc nhóm chuyên gia dự án hỗ trợ kỹ thuật Metro số 1 (TC2) nhận xét, giá vé lượt của Metro số 1 như trên tương đồng với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội. “Tôi đã đề nghị rất mạnh mẽ rằng để giá vé thấp như ngoài Hà Nội thì TP Hồ Chí Minh phải chuẩn bị sẵn một túi tiền rất lớn, bằng trợ giá cho gần 100 tuyến xe buýt hiện nay” – ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 10 triệu đồng thì người dân sẵn sàng chi trả 75.000 đồng đi 20 km tuyến Metro số 1. “Cho nên không có lý do gì chúng ta giữ giá vé thấp như thế. Phải cân bằng giữa khả năng chi trả của người dân và ngân sách trợ giá của thành phố có thể chịu được” – ông Tuấn nói.
Theo vị chuyên gia này, với chặng 5 km đổ lại thì Metro số 1 không cạnh tranh được với xe máy. Do đó, nhóm chuyên gia TC2 đã đề xuất giá vé Metro số 1 đối với chặng dưới 2 km là 6.000 đồng/lượt, chặng từ 2-5 km là 10.000 đồng/lượt. “Mức giá này sẽ thu hút được người dân đi xe máy hiện nay” – ông Tuấn nói.
Từ chặng 10 km trở lên, Metro số 1 có tính cạnh tranh hơn so với xe máy nên có thể tăng giá vé mà không làm giảm sản lượng hành khách. Do đó, nhóm chuyên gia TC2 đề xuất, từ 5 km trở lên, giá vé tính theo công thức: 10.000 đồng + 1.600 đồng x số km. Như vậy, đi toàn tuyến Metro số 1 dài 20 km sẽ mất khoảng 32.000 đồng (cao hơn mức 23.000 đồng MAUR đang cân nhắc lựa chọn).
Ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, mức giá vé trên chỉ bằng nửa khả năng chi trả của người dân. Bởi theo ông, hiện người dân đi xe ôm sẵn sàng chi trả từ 90.000-100.000 đồng cho quãng đường 20 km.
“Nói vậy không phải là tôi muốn bà con phải trả nhiều tiền để đi Metro số 1. Nhưng chắc chắn phải trả giá cao hơn xe buýt, ít nhất là gấp 2-3 lần để chung tay với thành phố giảm chi phí trợ giá cho Metro số 1. Như vậy mới có tính bền vững và đủ nguồn lực cho công ty quản lý vận hành Metro số 1 trả lương cho đội ngũ vận hành” – ông Tuấn phân tích.
Về việc này, ông Hoàng Mai Tùng cho biết, trong giai đoạn đầu khai thác của tuyến Metro số 1, để thu hút và tạo cho người dân thói quen sử dụng thì phương án giá vé phải cân nhắc kỹ lưỡng. “Phương tiện giao thông công cộng phải hấp dẫn, ít nhất là giá vé ở mức phù hợp thì người dân mới sử dụng, cho dù cự ly ngắn hay dài” – ông Tùng nói.
Theo tính toán, tổng chi phí vận hành Metro số 1 năm đầu tiên khoảng 1.153 tỉ đồng, trong khi ước tính doanh thu đạt khoảng 225 tỉ đồng (tính theo sản lượng 67.968 lượt khách/ngày).
Do vậy, Metro số 1 cần ngân sách TP Hồ Chí Minh trợ giá (bao gồm cả khấu hao thiết bị, lợi nhuận định mức) gần 930 tỉ đồng trong năm đầu tiên khai thác thương mại.
Theo MAUR, trợ giá những năm đầu tiên Metro số 1 vận hành có thể tăng cao, tuy nhiên sẽ giảm dần các năm về sau trong điều kiện hệ thống thu phí tự động được nâng cấp, hành khách có nhiều sự lựa chọn các loại hình vé phù hợp với nhu cầu; khả năng kết nối và trung chuyển hành khách cao, kết hợp với các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng.
Khởi công năm 2012, Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến dài khoảng 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
Dự án hiện đạt khoảng 95% khối lượng, đang được chạy thử nghiệm các đoàn tàu đoạn trên cao. Dự kiến đến ngày 2.9, chủ đầu tư sẽ cho tàu chạy thử trên toàn tuyến với tổng chiều dài gần 20 km.