Hàng quán “bủa vây” bốt điện
Ba năm bán hàng nước trên phố Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng là khoảng gian bà Nguyễn Hồng Bích sống chung với những nguy hiểm rập rình, khi bên cạnh quán nước của bà là bốt điện chình ình được đặt trên vỉa hè.
Bà Bích cho biết, dù biết ngồi cạnh bốt điện buôn bán là nguy hiểm, nhưng cũng vì mưu sinh nên đành chấp nhận, bởi nếu không ngồi chỗ này thì cũng chẳng biết ngồi đâu để bán.
“Tôi đã có tuổi, ngoài việc bán mấy cốc nước kiếm thêm thu nhập, tôi không có khả năng làm thêm nghề gì để kiếm sống” – bà Bích nói.
Tại đây, khách ngồi uống nước dễ dàng nhìn thấy biển báo “Cấm lại gần! Có điện nguy hiểm chết người” trên bốt điện cạnh quán, nhưng đều “nhắm mắt làm ngơ”, không bận tâm đến nguy hiểm đang rập rình.
Chen lấn giữa dòng người chật chội, chị Hoàng Thị Hà (Bắc Từ Liêm) vội với lấy cho mình một chiếc ghế để ngồi vào bàn ăn trong một con ngõ nhỏ trên phố Thanh Hà (Hoàn Kiếm).
Theo lời chị Hà – khách quen của quán, những ngày khách đến chật diện tích bày bàn ghế còn không đủ, mấy ai quan tâm đến biển cảnh báo nguy hiểm trên bốt điện, miễn có chỗ ăn là được.
Theo ghi nhận của Lao Động, hàng trăm bốt điện, trạm biến áp trên nhiều vỉa hè tại các tuyến phố Hà Nội đã bị nhiều người dân bất chấp tận dụng làm nơi kinh doanh hoặc sinh hoạt.
Trên đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy), những bốt điện được người dân dùng làm “điểm tựa” để biển quảng cáo, bày bán hàng hoá.
Tại phố Hàng Mã, nhiều hộ kinh doanh còn tận dụng bốt điện để “biến tướng” chúng trở thành nơi bày bán hàng bất đắc dĩ. Đủ loại mặt hàng buôn bán được để treo lên những bốt điện trên vỉa hè.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện nhiều tại các khu phố cổ Hàng Đường, Hàng Chiếu, Hàng Lược, Đồng Xuân,… Những bốt điện đều bị người dân tận dụng để treo thức ăn hoặc bày bán hàng quán ngay sát để kinh doanh.
Nguy cơ phát sinh cháy nổ
Sinh sống tại phường Dịch Vọng, ông Nguyễn Văn Bình (59 tuổi) lo ngại trước tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ – bốt điện như hiện nay.
“Việc kinh doanh hàng quán trong khu vực trạm biến áp, trụ – bốt điện hoạt động luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ nhất là vào thời điểm nắng nóng, thiết bị điện rất dễ bị quá tải, gây chập cháy. Điều này chắc chắn sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người xung quanh” – ông Bình nói.
Vụ nổ bốt điện xảy ra ở quận Hà Đông (Hà Nội) vào chiều 17.11.2016 khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương là hồi chuông cảnh tỉnh.
Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, quá trình kinh doanh hàng quán, một số người vẫn sử dụng, bài trí các dụng cụ kim loại gần nguồn dẫn điện (kê kệ sắt, tủ đựng đồ, dùng xích móc vào giá để trạm biến áp với mục đích bảo quản bàn ghế…) mà không hề hay rằng, đây chính là một trong những nguồn gây ra hiện tượng truyền, dẫn và phóng điện.
Trước những hiểm hoạ rình rập trên, người dân cần nhận thức rõ hơn về những hậu quả khôn lường khi lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ – bốt điện để kinh doanh hàng quán. Có như vậy mới tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.