1. Điền kinh Việt Nam là đội tuyển đưa 100% tuyển thủ quốc nội đúng bản sắc vào tranh tài chuyên môn, không có vận động viên người nước ngoài gốc Việt hay tuyển thủ nhập tịch. Trong khi đó, một số đội tuyển điền kinh Thái Lan, Philippines hay Singapore… nhập tịch rất nhiều vận động viên chất lượng. Đơn cử như thể thao Singapore, đội tuyển điền kinh quốc gia này sở hữu dàn vận động viên gốc Hoa đông đảo và chất lượng.
Đa phần gương mặt nhập tịch được nhắm vào 2 nhóm nội dung có sức mạnh tốc (cự li ngắn) và nội dung sức bền trung bình dài.
Vận động viên nhập tịch hầu hết đang học tập hoặc sinh sống ở nước ngoài, ít khi trở lại trong nước, tập luyện cùng đội tuyển và chỉ hội quân khi lên đường tham dự các giải đấu lớn.
Vận động viên nhập tịch học tập ở nước ngoài theo lịch trình riêng nên ảnh hưởng nhiều tới điểm rơi phong độ của họ. Thường những gương mặt nhập tịch sẽ có thành tích rất tốt ở các giải đấu đầu năm nhưng về khoảng từ tháng 6 – 7 thì đều không được đánh giá cao.
Tuyển điền kinh Việt Nam có thể yên tâm về khả năng cạnh tranh của chúng ta với các quốc gia khác ở SEA Games 32 sắp tới.
2. Đại hội lần này, nhân sự của điền kinh Việt Nam có biến động nên cơ hội giành huy chương từng nội dung dự báo sẽ thay đổi.
Đơn cử chúng ta không có Lò Thị Hoàng (người đầu tiên giành Huy chương Vàng SEA Games nội dung ném lao nữ) tại Campuchia lần này do chấn thương. Vì thế, điền kinh Việt Nam không có tuyển thủ dự nội dung trên ở SEA Games 32 để bảo vệ ngôi vô địch ném lao nữ.
Tương tự, tuyển thủ Nguyễn Văn Lai không dự SEA Games 32 dù là người giành 2 Huy chương Vàng cự li 5.000 m và 10.000 m nam tại SEA Games 31. Tôi dự liệu, ban huấn luyện đã có bố trí phù hợp con người cho nội dung này từ đó đủ đảm bảo gánh vác trọng trách thay Lai và một vài cái tên có thể kể tới như: Đỗ Quốc Luật, Lê Tiến Long, Nguyễn Trung Cường, Nguyễn Quốc Anh…
Hi vọng rằng, ở giải đấu sắp tới, chúng ta sẽ thành công ở nội dung 5.000 m nam và 10.000 m nam.
Điền kinh chúng ta có sự trở lại của vận động viên Lê Tú Chinh. Sau hơn hai năm chấn thương nặng, cô đã được phẫu thuật và quá trình phục hồi đang được tiếp tục. Tại giải Cúp điền tốc độ vừa qua tại TPHCM, Tú Chinh đạt thành tích 11 giây 8 vòng loại nữ 100 m. Thông số này chỉ là bước khởi đầu, đánh dấu việc “nữ hoàng tốc độ” đã quay trở lại tập luyện và thi đấu.
Các đàn em của Tú Chinh như: Như Ý, Yến Nhi có thành tích cao nhất đang ở tầm 11 giây 6 hay 11 giây 55. Tức là, khả năng tranh chấp của Tú Chinh không dễ cũng như chạy tốc độ cự li ngắn cần lượng vận động lớn của các khối cơ trong đôi chân mà khi tuyển thủ chưa ổn định tuyệt đối thì tất cả vẫn chỉ là hi vọng đạt được thành tích.
Tại giải Điền kinh quốc tế Australia mở rộng 2023 (tháng 3.2023), vận động viên của Singapore đã chạy 11 giây 37 và ở nội dung 200 m, cô ấy đã phá kỉ lục của Đông Nam Á tồn tại từ SEA Games 2019. Vậy nên để tranh chấp được Huy chương Vàng, các vận động viên Việt Nam phải đạt thành tích ở tầm dưới 11 giây 5. Đây là điều rất khó khăn.
Trong cự li ngắn của nam, chúng ta có Ngần Ngọc Nghĩa. Ngọc Nghĩa đang vào độ chín muồi và không gặp các chấn thương trong giai đoạn vừa qua nên chúng ta có thể tiếp tục hi vọng rằng, tuyển thủ này sẽ đổi được màu huy chương tại SEA Games nhưng các đối thủ Thái Lan và Philippines không dễ bị khuất phục.
Bộ môn điền kinh đăng kí chỉ tiêu tại SEA Games 32 giành từ 14 đến 17 Huy chương Vàng. Chúng ta hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu, duy trì được vị trí số một của Đông Nam Á. Nhưng, phải nhìn vào con người cụ thể. Đầu tiên, vận động viên Nguyễn Thị Oanh sẽ phải gánh vác ba Huy chương Vàng. Tiếp theo, Nguyễn Thị Huyền sẽ phải gánh vác ít nhất nhiệm vụ tranh hai ngôi vô địch trong cự li cá nhân 400 m và 400 m rào.
Nhóm cự li trung bình 1.500 m và 800 m, chúng ta vẫn đang độc bá ở sân chơi Đông Nam Á. Tại Campuchia lần này gồm: Bùi Thị Ngân, Lương Đức Phước… là hai người được chú ý cũng như Đức Phước đã có ngôi vô địch 1.500 m nam tại SEA Games 31.
Tuy nhiên, một số nhóm nội dung kĩ thuật, điền kinh Việt Nam vẫn phải chịu hai đợt sóng suy giảm nhân sự nên tranh chấp huy chương sẽ khó. Chúng ta chưa có tuyển thủ giành được Huy chương Vàng nhảy cao nam trong những kì SEA Games gần đây và đội tuyển trông vào yếu tố bất ngờ của Vũ Đức Anh tại Campuchia năm nay.
Ở nội dung nhảy xa, vận động viên Vũ Thị Hà – nhà vô địch SEA Games 31 – không tham dự. Gương mặt kì cựu Bùi Thị Thu Thảo sẽ dự SEA Games 32 nhưng cô có đạt được thành tích cao nhất để giành ngôi vô địch hay không còn là dấu hỏi. Những vận động viên của các quốc gia khác đang duy trì khá đều ở mức 6m40.
Ở nhảy 3 bước, đối với nam, chưa có vận động viên nào nhảy qua 16 m. Bên cạnh chúng ta có Thái Lan, có Malaysia. Qua theo dõi, tôi cho rằng, Singapore đang quay trở lại là một trong những nhân tố mới của SEA Games 32 lần này. Vì vậy, Việt Nam sẽ cần nỗ lực hết sức để giành được thật nhiều huy chương, hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
3. Ngoài thành tích tại SEA Games 32 sắp tới, chúng ta cần quan tâm lực lượng chuẩn bị cho ASIAD 19-2022 ở Hàng Châu (Trung Quốc). Thời điểm bắt đầu được tính chuẩn Olympic 2024 là từ 1.7.2023 – 30.6.2024. Các kết quả thi đấu cá nhân tại SEA Games 32 vẫn chưa được lấy để tính chuẩn. Vì vậy, để điền kinh Việt Nam có vận động viên đạt chuẩn Olympic Paris 2024 trong tương lai gần rất khó. Hiện tại, chưa có nhiều gương mặt trẻ hoặc gương mặt kì cựu nhiều kinh nghiệm tạo được sự tin tưởng nhất nên việc cần thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế là điều cần thiết.
Một số nhóm nội dung có thể tận dụng được cơ hội khi tham dự các cuộc thi đấu của khu vực, đơn cử như: Đi bộ 20 km với chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, Võ Xuân Vĩnh. Họ đã có ngôi vô địch SEA Games trước đây nhưng ở tầm châu Á và quốc tế thì vẫn cần nỗ lực hơn.
Nhóm chạy ngắn 100 m, 200 m, 400 m hay những nhóm kĩ thuật như nhảy xa 3 bước, nhảy cao sẽ có hi vọng nhiều hơn. Tại kì SEA Games 2017, vận động viên Nguyễn Thị Huyền từng đạt hai chuẩn ở 400 m cá nhân nữ và 400 m rào. Bên cạnh đó, các cự li dài như 10.000 m hoặc marathon cũng có những gương mặt triển vọng cạnh tranh suất tham dự Thế vận hội.
Nhưng chuẩn Olympic thì luôn luôn biến động và theo xu hướng là tăng lên. Vì vậy, sau SEA Games 32, các vận động viên điền kinh cần tích cực tham dự các cuộc thi đấu châu Á, quốc tế để giành thứ hạng cao, đồng thời lấy thành tích để tính chuẩn tham dự Olympic Paris 2024.