Tiến trình phi USD hóa
Viết trên RT, Giáo sư Tiến sĩ Radhika Desai – Khoa Nghiên cứu Chính trị, Đại học Manitoba (ở Winnipeg, Canada), Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Kinh tế Địa chính trị – cho hay, tiến trình phi USD hóa ngày càng trở thành vấn đề nóng trên truyền thông và không khó để chỉ ra nhiều ví dụ.
Các nguồn tài chính phi USD mới đang xuất hiện. Có các thỏa thuận song phương mới để giao dịch và cho vay bằng các loại tiền khác ngoài USD. Thậm chí quan trọng hơn, những người mua và người bán dầu mỏ lớn trên thế giới – Nga, Saudi Arabia, cũng như Trung Quốc và Ấn Độ – đang đồng ý giao dịch dầu mỏ bằng các loại tiền tệ không phải là đồng USD.
Những thỏa thuận này đang phá hủy một trong những trụ cột chính trong sự thống trị của đồng USD kể từ khi OPEC tăng gấp bốn lần và sau đó tăng gấp đôi giá dầu vào những năm 1970, khiến các quốc gia trên thế giới có lí do chính để mua và dự trữ đồng USD.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tiếp tục cho rằng, sự thống trị của đồng USD vẫn còn nguyên vẹn. Các nhà phân tích lập luận, đồng USD sẽ tiếp tục thống trị cho đến khi đồng tiền của một quốc gia khác thay thế, hoặc điều này sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác theo đuổi các hình thức quốc tế hóa bắt chước hình thức của đồng USD ngày nay.
Giáo sư Tiến sĩ Radhika Desai cho hay, theo một nghĩa nào đó, cuộc thảo luận này hơi giống cuộc thảo luận được mô tả trong “The Big Short” – bộ phim về một nhóm nhỏ các chủ ngân hàng đặt cược vào thị trường nhà ở và chứng khoán vào những năm 2000.
Đặt cược xong, họ đợi thị trường sụp đổ và đúng là thị trường đã sụp đổ thật. Tuy nhiên, trong một thời gian, khi các vụ vỡ nợ thế chấp tăng lên, thì chứng khoán vẫn tiếp tục tăng giá trị. Giá đã được đẩy lên bởi các nhà đầu tư dựa trên tuyên bố nổi tiếng của Alan Greenspan rằng không thể có bong bóng thị trường nhà đất. Chứng khoán cũng không bị hạ cấp. Chỉ khi các khoản lỗ chồng chất và thực sự bắt đầu xuất hiện dưới dạng thiếu hụt thanh toán thì sự thật mới được thừa nhận.
Kể từ năm 1971, vai trò toàn cầu của đồng USD có được là dựa trên tuyên bố rằng hệ thống tài chính được định giá bằng đồng USD là tinh vi nhất thế giới, với các quỹ vốn rộng nhất và sâu nhất mà các nhà đầu tư trên thế giới có thể sử dụng thỏa sức.
Chắc chắn, việc mở rộng hoạt động tài chính, còn được gọi là tài chính hóa, rất quan trọng. Việc tăng nhu cầu tài chính đối với đồng USD đã giải quyết được vấn đề tiến thoái lưỡng nan Triffin (Triffin Dilemma) gây ra.
Triffin Dilemma là tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa việc giảm bớt áp lực lạm phát trong nước trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu thanh khoản của thế giới, và nó nảy sinh bất cứ khi nào tiền quốc gia dựa trên tín dụng như USD được sử dụng làm dự trữ toàn cầu. Điều đó có nghĩa là thâm hụt của Mỹ càng lớn thì áp lực giảm giá đối với đồng USD càng lớn.
Lạm phát, lãi suất và đồng USD
Theo Giáo sư Tiến sĩ Radhika Desai, những tuyên bố về sự hấp dẫn của nền tài chính Mỹ đã bị phóng đại. Đối với hầu hết thế giới, thay vì cung cấp đầu tư hiệu quả có lợi, hệ thống tài chính bằng USD chỉ tung ra những dòng tiền “nóng” ngắn hạn, chỉ mang lại lợi nhuận cho hầu hết các nhà đầu tư phương Tây, trong khi thường xuyên tàn phá phần còn lại của các nền kinh tế trên thế giới.
Chỉ có Trung Quốc và một số ít các điểm đến đầu tư nhỏ hơn, được ưa chuộng hơn, được hưởng lợi từ một số lượng đầu tư hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, giờ đây, mâu thuẫn nội bộ của hệ thống định giá bằng USD đang gia tăng. Mâu thuẫn lớn nhất là mối ràng buộc giữa lạm phát và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Một mặt, cách duy nhất có thể đối phó với lạm phát mà không làm xói mòn sức mạnh của vốn là tăng lãi suất, nhưng điều đó có thể sẽ phá vỡ chính cấu trúc tài chính của nợ không sinh lợi và đầu cơ. Mặt khác, nếu Fed không tăng lãi suất và cho phép lạm phát tràn lan, sẽ làm giảm giá trị của đồng USD.
Một bài báo gần đây trên tờ Financial Times đã so sánh hệ thống tài chính của Mỹ và châu Âu, giải thích rằng, ngày nay, EU – với tỉ lệ lớn hơn các tập đoàn sản xuất có thể tạo ra thu nhập từ cổ tức thay vì chỉ đơn thuần là lợi nhuận đầu cơ không chắc chắn và ngày càng rủi ro – có khả năng thu hút nhiều vốn hơn. Và nếu châu Âu có vẻ tốt so với Mỹ, thì Trung Quốc thậm chí còn tốt hơn Châu Âu.
Tiền từ khắp nơi trên thế giới đang đổ vào các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) của Trung Quốc. Ngược lại, các đợt IPO ở Mỹ và Anh – các nền kinh tế được tài chính hóa và suy yếu nhất về năng suất – lại có kết quả tệ.
Lí do đơn giản là Trung Quốc vẫn có một nền kinh tế hiệu quả và nhiều loại công ty hiệu quả chi trả cổ tức ổn định mà các nhà đầu tư giờ đây sẽ ngày càng tìm kiếm nhiều hơn, theo Giáo sư Tiến sĩ Radhika Desai.