Tờ Telegraph dẫn lời Giáo sư Amit Seru – chuyên gia ngân hàng tại Đại học Stanford (Mỹ) – cho hay, khoảng một nửa trong số 4.800 ngân hàng Mỹ đang mất khả năng thanh toán.
“Đừng giả vờ rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng chỉ có Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic Bank. Rất nhiều ngân hàng Mỹ có thể đã mất khả năng thanh toán” – Giáo sư Seru nói.
Tuần trước, First Republic Bank đã bị các cơ quan quản lý tài chính Mỹ tiếp quản và sau đó được JPMorgan – ngân hàng lớn nhất của Mỹ – mua lại. First Republic Bank có trụ sở tại San Francisco trước đó đã nhận được khoản giải cứu trị giá 30 tỉ USD từ một nhóm các ngân hàng ở Phố Wall dưới dạng tiền gửi.
Việc bán First Republic Bank diễn ra sau đợt rút tiền gửi ồ ạt vào tháng 3, khiến hai ngân hàng lớn là Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản chỉ trong vài ngày.
Tuần qua, cổ phiếu một số ngân hàng khu vực lớn của Mỹ đã giảm ít nhất 15%, khiến các nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của các ngân hàng quy mô trung bình khác.
Theo báo cáo của Viện Hoover của Giáo sư Seru và một nhóm các chuyên gia ngân hàng, khoảng 2.315 ngân hàng trên khắp nước Mỹ hiện có tài sản có giá trị thấp hơn các khoản nợ của họ.
Giá trị thị trường danh mục cho vay của những ngân hàng này được cho là thấp hơn 2 nghìn tỉ USD so với giá trị sổ sách đã nêu.
Giáo sư Seru đặt ra câu hỏi về các bước mà các cơ quan giám sát tài chính của Mỹ đã thực hiện để giải quyết những vấn đề mà những ngân hàng quy mô vừa phải đối mặt với khủng hoảng.
Theo Giáo sư Seru, các cơ quan quản lý có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản ngay lập tức bằng cách đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi tạm thời, tuy nhiên, điều này sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng thanh toán lớn hơn.