Sự quyết liệt gần đây của các cấp chính quyền đã dần tháo gỡ những khó khăn ban đầu cho các dự án. Cụ thể sau hơn 2 tháng vào cuộc, đã có nhiều dự án được tháo gỡ.
Thông tin từ UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã cho phép 5 doanh nghiệp được huy động vốn 50% số lượng căn hộ nhà ở hình thành trong tương lai. UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương 5.432 căn hộ. Trong đó, có 2.989 căn hộ thuộc dự án khu đô thị mới. Đây là các dự án thuộc diện rà soát pháp lý chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây, đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, còn có dự án khu nhà chung cư tại quận 4 cũng được UBND TP cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành rà soát giải quyết.
Theo ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4, Sở Xây dựng đã xác nhận 2 dự án nhà ở đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai với 1.083 căn hộ, lũy tiến từ đầu năm đến nay có 7 dự án với khoảng 9000 căn hộ (tăng 83% so cùng kỳ) được đưa ra thị trường với tổng vốn huy động từ xã hội lên đến 123.000 tỉ đồng. Trong tổng số 32 dự án đang vướng mắc mà Thành phố báo cáo với Tổ Công tác của Chính phủ, Tổ Công tác đã chuyển về, tháo gỡ 16/32 dự án; 16 dự án còn lại Tổ Công tác tiếp tục xem xét. Ngoài ra, 10/20 kiến nghị của Thành phố về các nhóm giải pháp để “khơi thông” các dự án đã được đồng ý và mới đây Thành phố tiếp tục kiến nghị thêm 10 nhóm nội dung nữa nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc hiện nay.
Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), hiện thành phố có 156 dự án bất động sản gặp vướng, chủ yếu thuộc diện rà soát pháp lý nhưng đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật. Trong đó, có những dự án có nguồn gốc đất công, có dự án bị vướng phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung, dẫn đến bị dừng triển khai, dừng huy động vốn…
Có dự án vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, hoặc việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, tình trạng hàng trăm dự án vướng pháp lý không thể triển khai trong thời gian qua một phần do quy định pháp luật chồng chéo, một phần do cán bộ thực thi cũng như lãnh đạo một số địa phương không mạnh dạn triển khai mặc dù đã có quy định pháp luật.
Cụ thể, từ năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 148, trong đó có nội dung giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án đấu giá phần đất công xen cài trong các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai dự án để thực hiện dự án độc lập hoặc giao đất thu tiền sử dụng đất đối với những phần đất không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có 50% các tỉnh thành có hướng dẫn, các thành phố trực thuộc trung ương cũng chỉ có Hà Nội có hướng dẫn. Nếu tháo gỡ được bất động sản thì nhiều ngành nghề khác, như vật liệu xây dựng, nội thất, thiết kế, thu ngân sách… cũng sẽ khởi sắc theo. Trong lúc chờ đợi Quốc hội sửa luật thì Chính phủ cần có những hướng dẫn cụ thể để cán bộ thực thi mạnh dạn thực thi nhiệm vụ để vực dậy lĩnh vực bất động sản.