Những đối tượng có nguy cơ sốc nhiệt cao nhất
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi- Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40°C hoặc cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết: Các đối tượng có nguy cơ cao nhất đối với sốc nhiệt là những người phải làm việc trong điều kiện môi trường nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, người công nhân làm việc trên lò cao, các vận động viên thi đấu, luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…
Sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.
Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường.
PGS Chi khuyến cáo người dân nếu phải ở lâu ở ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 – 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng
Cách sơ cứu khi gặp người bị sốc nhiệt
PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết: Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân.
Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống.
Đồng thời, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch..
Trưa 5.5, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) đã cấp cứu thành công bệnh nhi T.T.K. (nam, 14 tuổi) bị tổn thương gan, thận do sốc nhiệt.
Khai thác bệnh sử ghi nhận lúc 8h30 ngày 4.5, học sinh K. tập chạy quanh sân bóng của trường. K. chạy được 10 vòng trong 30 phút, mỗi vòng trung bình 400m.
Sau khi chạy xong, K. than mệt, vã mồ hôi, vọp bẻ chân (chuột rút), nhức đầu, ngất xỉu không biết gì. Em được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, mạch nhẹ 165 lần/phút, huyết áp 80/50mmHg.
Sau khi được cấp cứu, điều trị kịp thời, hiện sức khỏe của em K. đã ổn định, tổn thương gan và thận hồi phục tốt.