Cụ thể, đến ngày 30.4, các bộ ngành địa phương giải ngân được hơn 110 ngàn tỉ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%)
Trong đó có 45 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Có những bộ, ngành tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Tiêu biểu kể đến như, Ngân hàng Nhà nước có tỷ lệ giải ngân là 0,17%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 0,25%; Bộ Tài chính là 0,39%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tỷ lệ giải ngân là 4,26%.
Đối với 3 chương tình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị tổng số vốn là hơn 102 nghìn tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao 99,56% số vốn theo kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm, bộ, ngành địa phương giải ngân 3 chương tình mục tiêu quốc gia khoảng 3.329 tỉ đồng, đạt 13,7% so với kế hoạch.
Trước vấn đề giải ngân nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhất là Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư.
Đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14.3.2023 và phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương tại Quyết định 435/QĐ-TTg, ngày 24.4.2023. Trong đó nâng cao chất lượng báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chỉ rõ vướng mắc cụ thể ở dự án nào, quy định nào, đề xuất hướng sửa đổi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ giao bộ tiếp thu sửa đổi nội dung trong Nghị định số 40/2020/NĐ-CP. Cụ thể, cho phép không báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2022, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân, đồng thời bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí lại vốn Ngân sách trung ương năm 2023 và các năm tiếp theo tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2022, bị hủy dự toán cho các dự án bảo đảm bố trí đủ vốn, hoàn thành đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện, giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trung ương, địa phương và hoạt động của Ban chỉ đạo, các cấp, đặc biệt các tổ công tác phải thực địa đến tận cơ sở (huyện, xã) để kịp thời hướng dẫn, giải đáp và đôn đốc tiến độ và xử lý tận gốc vướng mắc, khó khăn.
Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 5 ban hành, trình cấp có thẩm quyền các văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao và tiểu dự án 2 dự án 10 của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.