Anh Nguyễn Xuân Thái ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Đợt nghỉ lễ 30.4, tôi đưa vợ con về quê thăm người thân. Do tần suất đi lại nhiều, thời tiết nắng nóng nên điều hòa ôtô rất yếu. Về Hà Nội, tôi tới cửa hàng sửa chữa điều hòa ôtô gần nhà nhưng bị từ chối do lượng khách quá đông”.
Anh Thái chia sẻ 3 ngày hôm nay, ngày nào anh cũng gọi tới cửa hàng sửa chữa điều hòa ôtô nhưng đều không có slot.
Khảo sát một vòng quanh Phạm Văn Đồng, Tân Xuân, quận Bắc Từ Liêm, nơi có nhiều xưởng sửa ôtô phóng viên ghi nhận, các xưởng sửa chữa điều hòa ôtô luôn trong tình trạng chật cứng khách.
Anh Thực, chủ một cửa hàng sửa chữa điều hòa ôtô trên đường Tân Xuân, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết, ngay sau dịp nghỉ lễ 30.4 thời tiết bắt đầu nắng nóng, lượng khách đến sửa máy lạnh ôtô tăng đột biến. Anh làm từ 6 giờ sáng đến 8, 9 giờ tối mà không hết khách. Tình trạng máy lạnh ôtô của khách thường không hỏng hẳn mà chỉ yếu đi do bẩn lọc gió, thiếu ga. Do đó, các xưởng chỉ cần vệ sinh lọc gió và bơm ga là máy lạnh hoạt động bình thường.
Chia sẻ về kinh nghiệm vệ sinh điều hòa ôtô, anh Thực cho biết, trong quá trình sử dụng, để đảm bảo độ bền của máy lạnh, lái xe cần chú ý vệ sinh và thay mới định kỳ lọc gió điều hòa ôtô.
Lọc gió điều hòa ôtô được coi như lá phổi của hệ thống điều hòa trên ôtô, bởi chi tiết này chứa thành phần là than hoạt tính, có khả năng hấp thụ bụi bẩn và những mùi hôi khó chịu trong xe. Những bụi bẩn trong không khí ngoài môi trường sẽ được thiết bị này lọc sạch trước khi hút vào trong xe ôtô.
Sau thời gian dài sử dụng, lọc gió điều hòa ôtô không được vệ sinh hoặc thay thế sẽ dẫn đến tình trạng than hoạt tính bị bám cặn hoặc bụi bẩn lên bề mặt và tích tụ lại. Lúc này, bụi bẩn gây cản trở luồng khí mát thổi ra từ hệ thống điều hòa khiến hệ thống hoạt động thiếu ổn định, lúc mát lúc không hoặc lạnh kém, kéo theo việc giảm công suất của động cơ dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu cho xe ôtô.
Hơn nữa, than hoạt tính cũng không thể hút thêm mùi hôi cũng như bụi bẩn để lọc không khí. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn trú ngụ trong xe phát triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cho người ngồi trên xe.
Vệ sinh lọc gió máy lạnh ôtô gồm nhiều bước khá đơn giản, lái xe có thể tự làm. Thứ nhất, lấy lọc gió ra khỏi vị trí, gõ nhẹ xuống sàn để bụi và cát kích thước lớn rơi ra. Sau đó, dùng máy xịt không khí (hoặc máy hút bụi), đưa vào các lớp bên trong làm bong các lớp bụi bẩn bám vào qua đó làm sạch lọc gió.
Trong quá trình vệ sinh lưu ý tuyệt đối không chà rửa lọc gió bằng cách nhúng vào nước sẽ làm hỏng lọc gió, trường hợp nếu lọc gió quá bẩn không thể làm sạch hoặc bị rách thì nên thay lọc gió mới.
Sau khi làm sạch bụi bẩn, đem lọc gió lắp lại vị trí cũ. Lưu ý tránh lắp lọc gió ngược chiều. Dùng tay nhấn nhẹ 4 góc giúp giăng lọc gió khít vào rãnh trong hộp chứa. Lắp lọc gió đúng vị trí và tiến hành đậy nắp, cố định lại bằng chốt gài, bằng đai ốc hay vít cấy. Cuối cùng là khởi động máy đệm ga lớn và dùng tay kiểm tra cổ góp gió xem có không khí hút vào hay không, phòng trường hợp bị nghẹt.
Tùy vào loại lọc gió, loại xe, môi trường khí hậu và độ dài quãng đường mà xe đã đi để làm cơ sở thay lọc gió mới. Thông thường lái xe nên thay lọc gió vào thời điểm bắt đầu vào mùa hè, có thể thay sớm hơn khuyến cáo của nhà sản xuất khi bạn đi xe trong các khu vực nhiều khói bụi. Thông thường lái xe nên thay lọc gió cabin sau khi xe đi được khoảng 10.000km là tốt nhất.