Cụ thể thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 4.2023, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia tổ cổ tức bằng tiền mặt.
NHNN đồng thời chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng với ngân hàng Agribank, NHNN cho hay đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Như vậy cho đến thời điểm hiện nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều có hướng tăng vốn điều lệ cụ thể trong thời gian tới. Đây là thông tin gây nhiều chú ý bởi tăng vốn là nhu cầu bức thiết với nhiều ngân hàng trong nước hiện nay.
Trong đó định hướng của NHNN về việc Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 làm rõ hơn về quá trình tăng vốn tới đây.
Hồi đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố kế hoạch sẽ phát hành tối đa gần 2,8 tỉ cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ thêm tối đa 58,4%. Nếu thành công, vốn điều lệ của VCB sau thương vụ này sẽ tăng mạnh từ mức vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 47.325 tỉ đồng lên hơn 75.000 tỉ đồng.
Nguồn sử dụng để phát hành và tăng vốn điều lệ được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, 2024.
Nói về nhu cầu tăng vốn, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank – trước đó kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng vốn nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.
Đối với Agribank, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank kiến nghị Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023.
Bởi theo ông Ấn, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng, vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.
“Việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông” – ông Ấn nhấn mạnh