Cụ thể, chiều ngày 6.5, Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai thông báo, trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 5-10km/h, cường độ ít thay đổi.
Đến 01h ngày 07.5, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6, giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trong 24h tới từ vĩ tuyến 9 đến 12,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 115,0. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) cho phía Đông khu vực Giữa và Nam Biển Đông.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện số 01/CĐ-VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Hiện đã có 15 tỉnh, thành phố có văn bản triển khai Công điện số 01/CĐ-QG chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Ngoài áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai thông báo nhiều rủi ro thiên tai thời gian tới.
Đó là tình hình gió mạnh, sóng lớn trên biển. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Nam mạnh cấp 5, giật cấp 7-8. Dự báo ngày và đêm 6.5 ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Nam đến Nam cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 1,5-3,0m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Cụ thể, khu vực hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.
Dự báo từ nay đến 10.5, độ mặn tại hầu hết các trạm trên các sông Nam Bộ giảm chậm trong 2-3 ngày đầu, sau tăng chậm. Độ mặn lớn nhất trong tuần tới sẽ xuất hiện vào cuối tuần, và ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; riêng trạm Sông Đốc nhỏ hơn năm 2022.