Liên tục xảy ra các vụ tai nạn
Khoảng 7h20 ngày 5.5, ôtô khách chạy tuyến Thượng Lý (Hải Phòng) – Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) mang BKS 15F-001.XX, do tài xế T.V.L (SN 1994, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều khiển.
Khi xe di chuyển đến Km4+00 trong làn cao tốc của Đại lộ Thăng Long đã va chạm với xe máy mang BKS 88H1- 352.XX do chị N.T.V.A (SN 2000, trú tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) điều khiển đi cùng chiều.
Va chạm mạnh khiến chị V.A ngã ra đường, tử vong tại chỗ. Chiếc xe máy hư hỏng nặng.
Trước đó, ngày 1.2.2023, tại Km14+850 Đại lộ Thăng Long, xã Vân Côn, Huyện Hoài Đức cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và ôtô. Hậu quả khiến người điều khiển xe máy đi vào cao tốc tử vong tại chỗ.
Một vụ tai nạn cũng từng xảy ra vào tháng 7.2022 trên cao tốc này làm 1 người lái xe máy tử vong.
Thời gian qua, Báo Lao Động đã phản ánh về thực trạng các phương tiện xe máy, xe thô sơ, xe tự chế, xe đạp, người đi bộ bất chấp nguy hiểm đi vào cao tốc Đại lộ Thăng Long, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn và mất an toàn giao thông.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội CSGT đường bộ số 6, 11 (đơn vị phụ trách địa bàn) kiểm tra, xác minh thông tin và triển khai các biện pháp công tác nhằm phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trên.
Bên cạnh đó, tăng cường bố trí lực lượng để tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông như: điều khiển xe môtô đi vào đường cao tốc, vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi sai làn, vi phạm tốc độ,… trên tuyến Đại lộ Thăng Long.
Mặc dù đã có biển cấm xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc và đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra, nhưng nhiều người điều khiển xe máy vẫn xem thường và cố tình vi phạm.
Không chỉ riêng Đại lộ Thăng Long, tại đường Võ Nguyên Giáp, tuyến đường có 6 làn dành riêng cho ôtô, tốc độ tối đa 80 – 90km/h nhưng xe máy, xe đạp vẫn đi vào bất chấp cảnh báo.
Dù nhiều nguy hiểm, nhưng ghi nhận của Lao Động cho thấy, vào mỗi buổi sáng sớm, hàng trăm cua rơ chia thành từng đoàn đạp xe thể dục lựa chọn tuyến đường này để luyện tập bởi tuyến đường này rộng, có nhiều làn đường xe chạy, không ùn tắc,…
Thời gian vừa qua, mặc dù Đội CSGT số 15 đã tăng cường lực lượng xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền quy định không được đạp xe vào tuyến đường trên, tuy nhiên, nhiều người dân chưa có ý thức chấp hành và vẫn cố tình vi phạm.
Mỗi khi phát hiện chốt chặn của lực lượng chức năng, các thành viên trong đoàn đạp xe sẽ thông báo cho nhau qua mạng xã hội để những người khác thay đổi hành trình di chuyển, quay đầu, hoặc khiêng xe, đi bộ vào đường gom.
Cần cứng rắn trong việc xử lý
Trao đổi với Lao Động, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết, dù các quy định về mức xử phạt đã đã được nêu rõ, nhưng rõ ràng ý thức của người tham gia giao thông vẫn đóng vai trò trong việc chấp hành.
Theo ông Tạo, việc CSGT thường xuyên chốt chặn trên cao tốc là giải pháp tốt, tuy nhiên lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có thể túc trực 24/24 để đón lõng, xử lý vi phạm.
Về vấn đề này, ông Tạo cho rằng, việc xử lý cần cứng rắn hơn và áp dụng nhiều biện pháp như ứng dụng khoa học công nghệ camera hay giám sát hành trình để hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật.
Dù đã có chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, tuy nhiên, theo ông Tạo, mức xử phạt hành chính hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này tiếp diễn nhiều năm qua, đe doạ đến sự an toàn của các phương tiện khác.
“Cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ cũng như tăng nặng mức xử phạt để họ nghiêm túc hơn trong quá trình tham gia giao thông” – ông Tạo nói.