“Tiền phòng – Hậu kiểm”
Thời gian qua, không ít người mua và người bán bất động sản “bắt tay nhau” để ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng mua bán công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc thực hiện hai hợp đồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế.
Chẳng hạn, căn nhà được giao dịch với giá 5 tỉ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2%, tương đương 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng mua bán công chứng ghi giá 3 tỉ đồng, số thuế phải đóng chỉ là 60 triệu đồng, tức là Nhà nước sẽ thất thu 40 triệu đồng. Thực tế, có rất nhiều trường hợp đã lách luật để giảm nộp thuế kiểu như trên.
Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đề nghị các Văn phòng công chứng, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản hướng dẫn người dân khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Hay mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của hộ gia đình, cá nhân.
Trong thời gian tới Cục Thuế TP Hà Nội sẽ cùng với các sở, ngành thành lập riêng một tổ kĩ thuật, triển khai các giải pháp giữa 3 cơ quan trong quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản của hộ gia đình, cá nhân dựa trên nguyên tắc “Tiền phòng – Hậu kiểm”.
Biện pháp lấp đầy kẽ hở lớn
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính – cho biết, bất động sản Việt Nam chúng ta hiện nay có 2 loại giá, thứ nhất là giá theo khung giá của Nhà nước; thứ hai là giá theo thị trường.
Khi diễn ra hoạt động mua bán, chúng ta áp dụng về Luật Dân sự, điều kiện để thoả thuận giữa hai bên theo quy định của pháp luật là không được dưới khung giá của Nhà nước quy định. Ví dụ, theo khung giá của Nhà nước, đất tại khu vực con đường A chỉ có giá 180 triệu đồng/m2, nhưng thực ra ở ngoài giá đến 1 tỉ đồng/m2. Khi hai bên tiến hành thoả thuận mua bán để giá khoảng 400 – 500 triệu đồng/m2 đi chăng nữa thì ở góc độ pháp luật họ cũng không vi phạm, bởi họ vẫn bán trên khung giá Nhà nước.
Ông Thịnh nói rằng, chúng ta nên có một giá chung cho thị trường mà Quốc hội đang chuẩn bị thông qua đã lấy ý kiến của nhân dân và các chuyên gia, để làm sao ra được một khung giá tốt nhất.
Còn chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – cho hay, chúng ta phải đưa ra các biện pháp khác nhau, ví dụ quy định một người sẽ sở hữu và sử dụng được một căn hộ, xác định căn hộ thứ hai đóng thuế phải cao hơn. Tình trạng đầu cơ hiện nay ở Việt Nam đối với các căn hộ rất nhiều, kể cả đối với phân khúc cao cấp.
Để tránh trường hợp đầu cơ, tránh trường hợp né thuế và tránh thuế, theo ông Tú phải quy định rõ ràng nếu như có căn thứ hai trở lên thì trường hợp đó phải đánh thuế như thế nào? Căn thứ ba trở lên đánh thuế ra sao?.
Ngoài ra, để người mua có mục đích mua bán lướt sóng họ cũng phải suy nghĩ đến những khung giá phù hợp với thị trường. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng hiện nay ở mỗi huyện có rất nhiều loại giá khác nhau, không chỉ một quận, huyện mà một tuyến đường cũng có nhiều giá khác biệt, như vậy rất khó định giá. “Chúng ta sẽ quy định theo giá của thị trường để giảm thiểu được mua đầu cơ và đầu tư, yếu tố đóng thuế sẽ phù hợp hơn” – ông Tú nhấn mạnh.
Cục Thuế Hà Nội khuyến nghị người nộp thuế nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế và các quy định có liên quan khi kê khai giá mua bán, chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng công chứng và khi kê khai nghĩa vụ thuế, phí.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tăng cường đấu tranh, phát hiện và xử lý hành vi khai sai, gian lận và trốn thuế liên quan đến mua bán, chuyển nhượng bất động sản.