Chật vật tìm trường cho con
Dự định cho con trai 3 tuổi đi học mầm non vào năm học tới, chị Nguyễn Thị Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) dành thời gian tìm kiếm trường học cho con ngay từ thời điểm này.
Mặc dù muốn con theo học trường công lập nhưng chứng kiến cảnh giữa thủ đô Hà Nội, phụ huynh phải bốc thăm giành suất cho con vào học ở mùa tuyển sinh năm ngoái khiến chị Ngọc không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Lo ngại tình trạng cũ tái diễn khi trường công lập không được xây mới, dân số lại ngày một tăng lên, người mẹ trẻ đã quyết định tìm giải pháp an toàn cho con và cả gia đình.
“Tôi đã tìm kiếm và tham khảo một số trường tư có mức học phí từ 3 – 5 triệu. Với thu nhập của 2 vợ chồng, chỉ có thể cố lo cho con trong khoảng giá này” – chị Ngọc than thở.
Không riêng khối mầm non, tiểu học, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 – 2024 cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ chuyện tìm trường cho con.
Dù năm học chưa kết thúc, chị Nguyễn Mai Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã rốt ráo tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ cho con vào 5 trường tư thục khác nhau.
Nguyện vọng của gia đình là con có thể trúng tuyển vào trường THPT công lập gần nhà, nhưng với sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chị Phương vội vàng tìm phương án dự phòng cho con.
“Học lực của con không phải quá xuất sắc. Trong khi chỉ có khoảng 60% học sinh Hà Nội sẽ trúng tuyển trường công lập. Do đó, gia đình tôi phải nộp hồ sơ dự phòng vào các trường tư để nếu chẳng may con không trúng tuyển vẫn có trường để học” – chị Mai Phương chia sẻ
Quá tải học sinh trước mùa tuyển sinh đầu cấp
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 Trung tâm GDNN-GDTX với gần 2,2 triệu học sinh. Theo Sở GDĐT Hà Nội, mạng lưới trường học đã cơ bản đáp ứng được mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 1 trường công lập, bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, năm nào Hà Nội cũng phải đối mặt với việc tăng dân số cơ học, kéo theo sự gia tăng về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh.
Tại Thông tư 28 năm 2020 về Điều lệ trường tiểu học, Bộ GDĐT quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp THCS và THPT, do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh.
Nhưng thực tế, nhiều trường tiểu học ở các quận nội thành như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy… luôn xảy ra tình trạng sĩ số hơn 50 học sinh/lớp. Thậm chí có nơi trên 60 em/lớp.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, mặc dù rất muốn nhận hết học sinh có nguyện vọng đăng kí ứng tuyển, nhưng cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng.
“Có những năm, số lượng hồ sơ đăng ký vào nhà trường vượt quá chỉ tiêu cho phép, buộc nhà trường phải “thương lượng” với các trường xung quanh, tiếp nhận những em học sinh đó để đảm bảo theo đúng quy định tuyển sinh đầu cấp” – vị Hiệu trưởng này chia sẻ.
Để không xảy ra hiện tượng quá tải học sinh trước mùa tuyển sinh đầu cấp, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc tham mưu UBND cấp quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp, các Phòng GDĐT cần có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường.
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2023-2024 của Sở GDĐT Hà Nội, bên cạnh các quy định về phân tuyến tuyển sinh, đối với các khu đô thị mới chưa có trường học, Sở yêu cầu Phòng GDĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã để có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh, thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn.
Đồng thời, quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập.