Một cây cầu hợp xu thế, hợp lòng dân
Trải dài khoảng 30 km chia cắt 2 huyện Cẩm Khê và Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ – sông Hồng (hay còn gọi là sông Thao) là nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của hàng chục vạn người dân sống 2 bên bờ.
Hiện nay, dân số tại 2 huyện ven sông ngày càng đông đúc (tổng dân số 2 huyện Cẩm Khê và Thanh Ba năm 2019 là hơn 250 nghìn người), kinh tế đang trên đà phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, các cụm – khu công nghiệp mọc lên đã và đang thu hút hàng vạn người lao động…
Chính vì lẽ đó, nhu cầu “vượt sông Hồng” để giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế của người dân 2 huyện này nói riêng và các địa phương khác của tỉnh Phú Thọ nói chung là rất lớn, người dân rất mong muốn sẽ sớm có cây cầu nối đôi bờ sông Hồng.
Trên thực tế, nếu không xét đến tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có cầu Sai Nga bắc qua sông Hồng, hiện đang phục vụ một bộ phận người dân đi xe ôtô và phải tốn chi phí, đối với người dân tại huyện Cẩm Khê, huyện Yên Lập… nếu muốn vượt sông tới huyện Thanh Ba, thị xã Phú Thọ… và ngược lại, phải đi đò phà ngang sông hoặc đi cầu Ngọc Tháp (thị xã Phú Thọ) và cầu Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa), 2 cầu này cách nhau tới 40km.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động những ngày đầu tháng 5, có 4 bến đò ngang sông Hồng qua địa bàn 2 huyện nêu trên đang hoạt động, các bến đò này hoạt động từ sáng sớm cho đến đêm, ngày ngày đưa đón hàng nghìn người dân lao động qua sông, để họ xuôi ngược trăm ngả mưu sinh.
Bà Nguyễn Tuyết Anh – người dân sống tại khu Bình Phú, thị trấn Cẩm Khê cho biết: “Bến đò Chí Chủ (từ thị trấn Cẩm Khê đi xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba và ngược lại) là bến đò đông người qua lại nhất, hoạt động liên tục từ 5h sáng cho đến 22h đêm và gần như không tắt máy. Nếu có cây cầu bắc qua sông Hồng thì sẽ giải quyết được nhu cầu đi lại của rất nhiều người dân”.
Bến đò sẵn sàng khép lại “sứ mệnh lịch sử”
Tới bến đò Tình Cương (từ xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê đi xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba và ngược lại), qua buổi trò chuyện với ông Trần Văn Tốn – chủ bến đò (sống tại xã Thanh Hà), PV không khỏi bất ngờ khi nghe quan điểm của người chủ cơ sở kinh doanh phà đò này về việc xây cầu nối đôi bờ sông Hồng.
Ông Tốn cho biết: “Nếu thật sự Nhà nước sẽ đầu tư, xây dựng cây cầu bắc qua sông Hồng tại đây thì dù có nghỉ việc kinh doanh phà đò chúng tôi cũng rất vui vẻ, vì thế hệ con cháu chúng tôi sau này sẽ không phải vất vả mỗi khi qua sông, vì đó là mong ước của rất nhiều người dân từ bao đời nay”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Mai Hồng Điều – Chủ tịch UBND xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê cho biết, việc người dân có những lời đồn đại chuyện sẽ xây cầu bắc qua sông Hồng thuộc địa bàn xã Phú Lạc là có. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ văn bản, thông tin chính thức nào khẳng định việc trên.
“Mong muốn của người dân về việc xây cầu là có thật, không chỉ riêng người dân xã Phú Lạc mà nhiều địa phương cũng có mong muốn điều đó. Nếu có được cây cầu bắc qua sông Hồng, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn, dễ dàng hơn trong việc giao thương, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội” – ông Điều chia sẻ.