Không có tích luỹ, lo ngại khi về già
Làm thợ may tại Hà Nội nhiều năm, bà Minh Anh (SN 1967, Hà Nam) có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, bà mất khoảng 1,7 triệu đồng bao gồm tiền thuê nhà, tiện điện, nước. Cậu con trai năm nay mới học lớp 4, bà Minh Anh phải tằn tiện lắm mới đủ để trang trải các khoản chi phí đắt đỏ ở Thủ đô.
Trước kia, bà có thời gian làm công nhân may tại nhà máy gần nhà. Song, lương thấp, bà nghỉ việc, tự mở một tiệm sửa chữa quần áo cho riêng mình.
“Làm trong công ty thì có lương đều đều 5-6 triệu đồng/tháng và được đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhưng lúc có bầu, mức thu nhập này không đủ trang trải cuộc sống để lo cho con nên tôi nghỉ luôn” – bà Minh Anh tâm sự.
Là lao động tự do, đã lớn tuổi, mỗi khi “trái gió trở trời”, căn bệnh đau đầu lại khiến bà Minh Anh không thể tiếp tục công việc. Lúc này, bà mới dần lo ngại đến việc khi về già không thể lao động, không có lương hưu, bà sẽ trở thành gánh nặng cho con trai.
“Hiện tại, tôi có mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình ở quê. Còn bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi đã 56 tuổi, đóng bảo hiểm phải 20 năm nữa mới nhận lương hưu thì quá muộn” – bà Minh Anh cho hay.
Còn ông L.C.T (SN 1969, Phú Thọ) cũng từng có nhiều năm làm công nhân tại nhà máy. Thế nhưng, nhà máy này lại đột ngột giải thể vào năm 2005, ông T và toàn bộ công nhân bị cho nghỉ việc. Để có tiền trang trải cuộc sống, ông T chấp nhận rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần để nhận về 30 triệu đồng.
Sau đó, ông chuyển sang làm nhiều công việc tự do khác nhau và không có hợp đồng lao động. Tiền lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Không có khoản tích lũy cũng khiến ông lo ngại khi về già.
“Nếu năm đó sau khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sau này không phải lo lắng nữa” – ông T tâm sự.
BHXH tự nguyện – chính sách ưu việt
Với BHXH tự nguyện, đây chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực
Năm 2018, cả nước mới có hơn 277.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì đến hết quý I/2023, con số này đã tăng lên gần 1,5 triệu người (gấp 5,4 lần so với thời điểm cuối năm 2018).
Để chính sách hấp dẫn hơn, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Trong đó, đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu cũng là chính sách đang thu hút nhiều người lao động quan tâm.
Theo Dự thảo Luật, số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, Điều 100 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Với việc tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng/con sinh ra. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.