Thống kê sơ bộ cho thấy, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí tại TPHCM ước đạt 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kì năm 2022 (420.000 lượt). Công suất phòng ước đạt khoảng 70% – 75%, tăng 7,1% so với cùng kì năm 2022 (năm 2022 là 70%). Doanh thu ước đạt 3.130 tỉ đồng, tăng 94,4% so với cùng kì năm 2022 (1.610 tỉ đồng).
Một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trọng đại của đất nước, bên cạnh 60 sản phẩm du lịch nội đô được các doanh nghiệp khai thác thút hút khách du lịch. Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TPHCM là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức.
Khánh Hòa đón tổng 798.100 lượt khách trong kì nghỉ – gấp khoảng 2,5 lần so với cùng kì 2022 (275.000 lượt). Trong đó có gần 199.600 lượt khách lưu trú, 598.500 lượt khách tham quan. Tổng doanh thu đạt hơn 854 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kì nghỉ lễ 4 ngày năm ngoái (529 tỉ đồng).
Trước đó, giá vé máy bay tăng cao khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú thấp thỏm chờ đợi khách đến. Tuy nhiên, ngành du lịch Khánh Hòa chủ động đưa ra các chương trình kích cầu, trải nghiệm mới hấp dẫn du khách.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, Hà Nội đón 719.000 lượt khách, bao gồm 69.500 lượt khách du lịch quốc tế và 650.000 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.400 tỉ đồng. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ năm nay, du khách được tham quan Thủ đô miễn phí bằng xe buýt 2 tầng. Trong 5 ngày, ước tính có 127 chuyến xe chở hơn 6.681 lượt khách tham quan.
Lượng khách đến một số điểm du lịch trọng điểm trong Thủ đô tăng mạnh. Cụ thể, Di tích quốc gia đặc biệt Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) đón 130.898 lượt khách, Hoàng Thành Thăng Long đón 31.400 lượt khách; Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón khoảng 30.000 lượt khách…
Lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong 5 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30.4 và 1.5 ước đạt hơn 321.000 lượt, tăng 26,6% so với năm 2022. Khách nội địa ước đạt hơn 286.000 lượt còn khách quốc tế gần 35.000 lượt.
Trong kì nghỉ lễ, Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động sôi nổi như: Chương trình khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023 với nhiều hoạt động, vui chơi hấp dẫn; Khai trương tuyến du lịch thủy nội địa CT15 – Hòn Sụp – Bãi Nam – Bãi Đa, Lễ hội ẩm thực…
Ngày 3.5, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An thông tin, các khu di tích, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đón khoảng 780.000 lượt khách tham quan, vui chơi trong kì nghỉ, bằng 110% so với cùng kì năm 2022.
Trong số đó, khách lưu trú ước đạt 330.000 lượt, công suất phòng bình quân ước đạt 80 – 85%.Tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch dịp lễ năm nay ước đạt 1.500 tỉ đồng.
Riêng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) những ngày nghỉ lễ năm nay đón lượng du khách rất lớn về tham quan, dâng hương, vãn cảnh. Ước tính trong 5 ngày nghỉ lễ, Khu di tích Kim Liên đón khoảng trên 80.000 du khách trong nước và quốc tế.
Từ 29.4 đến 3.5, Sa Pa ước tính đón 103.000 lượt khách, đạt 105% so cùng kì 2022 và cao gần 1,3 lần so với cùng kì 2019 (81.000 lượt). Tổng doanh thu của kì nghỉ kéo dài 5 ngày ước đạt trên 335.000 tỉ đồng, bằng 120% so cùng kỳ 2022 và gấp 1,4 lần so 2019. Ba ngày đầu kì nghỉ, công suất phòng trung bình của các địa chỉ lưu trú đạt 95%.
Sa Pa chủ động tổ chức các hoạt động thu hút cho du khách như Lễ hội Hoa Hồng Fansipan – Sa Pa và lễ hội đường phố với chủ đề “Sa Pa – Xứ sở của tình yêu” năm 2023, Ngày hội khám phá di sản văn hóa dân tộc Dao năm 2023, Không gian trưng bày WOW Sa Pa… đều thuộc chuỗi hoạt động lễ hội mùa Hè Sa Pa và chương trình hưởng ứng kỉ niệm 120 năm du lịch Sa Pa.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bình Định đón 249.700 lượt khách, tăng 8,3% so với cùng kì năm 2022 (230.570 lượt). Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 257,2 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kì năm 2022.
Lượng khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú đạt 81.900 lượt. Công suất phòng trong dịp lễ từ 29.4-1.5 ước đạt 75%, từ 2.5 đến ngày 3.5 ước đạt 30%. Hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng biển từ 3 đến 5 sao đều đạt công suất 100% trong các ngày nghỉ lễ 29.4 và 30.4.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch từ 29.4 đến trưa 3.5.2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 245.000 lượt, tăng 19% so cùng kì năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 119.700 lượt, khách nội địa đạt 125.300 lượt.
Cụ thể, lượng khách tham quan đạt 175.000 lượt, tăng 11% so cùng kì năm 2022. Khách lưu trú đạt 70.000 lượt, tăng 40% so cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng kỉ lục từ khi COVID-19 bùng phát trên cả nước năm 2019.
Ông Hồng cho biết thêm, công suất sử dụng phòng trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 85-95%. Trong đó, nhóm khách sạn từ 3-5 sao đạt từ 95-100%. Riêng 3 ngày 30.4 đến ngày 2.5, nhóm khách sạn từ 3-5 sao luôn kín phòng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng, kỳ nghỉ lễ năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi được tổ chức trên khắp địa bàn tỉnh.
Bình Thuận đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với năm 2022. Công suất phòng bình quân khoảng 70-90%. Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt khoảng 230 tỉ đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đánh giá cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (kết nối với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây) đi vào hoạt động từ 29.4, cùng chuỗi hoạt động xuyên suốt Năm Du lịch quốc gia 2023 là đòn bẩy kích cầu cho du lịch Bình Thuận sôi động hơn, thu hút du khách đến Bình Thuận nghỉ lễ năm nay tăng gấp đôi so với năm 2022.
Lượng khách đến Huế ước đạt gần 99.000 lượt dịp nghỉ lễ vừa qua, tăng hơn 80% so với cùng kì năm 2022. Trong đó có 36.300 khách quốc tế, tăng gấp 26 lần cùng kì năm ngoái. Tổng doanh thu ước đạt 153 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kì 2022.
Các cơ sở lưu trú gần các điểm du lịch Thừa Thiên Huế đạt gần 95% công suất. Riêng 3 ngày 29.4, 30.4 và 1.5, khách sạn tại cố đô gần như kín 100% phòng. Khách lưu trú đạt khoảng 54.400 lượt, tăng 70% so với năm ngoái.
Kết quả tích cực này đến từ hiệu ứng của Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và những lễ hội, sản phẩm du lịch, điểm đến mới… ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai đón khoảng 76.300 lượt khách, tăng 160% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 18,2 tỉ đồng, tăng 130% so với cùng kì. Công suất phòng các khách sạn từ 1 đến 4 sao, khu nghỉ dưỡng, homestay đạt 60-100% trong kỳ lễ, đón khoảng 7.000 lượt khách lưu trú, tổng thu khoảng 11 tỉ đồng.
Các danh thắng, địa điểm vui chơi đón lượng khách tăng cao trong kỳ nghỉ lễ như: Quảng trường Đại Đoàn Kết đón khoảng 33.000 lượt khách; Biển Hồ đón khoảng 15.000 lượt; Làng chài sông Sê San – thác Mơ đón khoảng 4.000 lượt. Bảo tàng tỉnh đón hơn 3.200 lượt khách tham quan và thưởng thức. Huyện Phú Thiện thu hút 8.200 lượt khách trải nghiệm lễ cầu mưa kết hợp tham quan hồ sen tại xã Ia Yeng…
Điện Biên đón trên 76.000 lượt khách, trong đó có 215 lượt khách quốc tế. Ngoài ra, số khách lưu trú cũng đạt 16.200 lượt người; công suất sử dụng buồng, phòng đạt khoảng 90% trong 3 ngày (29.4 – 1.5). Tổng doanh thu từ du lịch trong đợt nghỉ lễ ước đạt trên 139 tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kì năm 2022.
Trước đó, để chuẩn bị phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nhân lực và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách tham quan.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Ban quản lý di tích triển khai thực hiện miễn phí tham quan Bảo tàng và các điểm di tích đối với người dân địa phương và các đối tượng ưu tiên trong các ngày từ 29.4 – 1.5 theo quy định.