Cụ thể, giá dầu Brent giảm 3 USD, tương đương 4%, xuống mức 71,90 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 3,06 USD, tương đương 4,3%, xuống mức 68,6 USD/thùng.
Hôm qua, Fed đã tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm. Điều này gây áp lực lên giá dầu khi các thương nhân lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Fed cũng báo hiệu có thể tạm dừng tăng lãi suất để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, giải quyết bế tắc chính trị về trần nợ của Mỹ và theo dõi lạm phát.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng 1,7 triệu thùng vào tuần trước trong khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 1,2 triệu thùng.
Mức tăng này gấp 4 lần so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đó một ngày rằng dự trữ xăng tăng 400.000 thùng. Ngược với sự tăng trong dự trữ xăng, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 1,3 triệu thùng.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép sau khi số liệu mà Trung Quốc công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng 4 là 49,2, giảm so với mức 51,9 trong tháng 3.
Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận xét giá dầu về cơ bản có thể yếu đi do ảnh hưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Dự báo giá dầu có thể bị đẩy xuống dưới mức 70 USD/thùng.
Trong nước, chiều nay, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Dự kiến, giá xăng dầu sẽ giảm mạnh khoảng 1.000 đồng/lít (kg) do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong hai tuần qua. Mức giảm này chưa bao gồm Quỹ Bình ổn xăng dầu và các loại phí điều chỉnh khác, nếu có.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4.5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.680 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.630 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.390 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.480 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.649 đồng/kg.