Vùng sinh thái công nghiệp thành hình
UBND TP Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha cho các nhà đầu tư – VSIP Group.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – khẳng định: “Đây là dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ, có sức lan tỏa trong khu vực.
Dự án được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề lao động – việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, dự án cũng phù hợp với định hướng quy hoạch liên quan đến các vùng sinh thái công nghiệp Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh, các trục giao thông, trung tâm logistics và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Quốc hội.
Theo UBND TP Cần Thơ, khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; tập trung thu hút đầu tư các ngành, nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Loại hình sản xuất dự kiến bố trí đa dạng các ngành nghề với các loại hình công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và ưu tiên các ngành nghề theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
TP Cần Thơ dự kiến phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn thực hiện (từ năm 2021 đến năm 2026). Giai đoạn chuẩn bị đầu tư thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước từ năm 2021 đến năm 2023.
Giai đoạn thực hiện đầu tư từ năm 2023 đến năm 2026, bao gồm hoàn thành công tác thi công san nền, xây dựng đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng… thực hiện công tác đầu tư xây dựng đồng bộ đúng quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo chất lượng, tiến độ để đưa vào khai thác vận hành.
“Cú hích” cho hạ tầng giao thông kết nối ĐBSCL
Hiện tại, TP Cần Thơ đang cùng lúc thực hiện 6 dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo “cú hích” cho hạ tầng giao thông của địa phương nói riêng và các tỉnh vùng nam sông Hậu nói chung.
Đó là các công trình: Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, đường tỉnh 921 đoạn tuyến thẳng và dự án đường tỉnh 918 (Giai đoạn 2).
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, nhu cầu sang lắp cát ở các công trình giao thông trọng điểm này là rất lớn. Riêng với 2 cao tốc kể trên ước tính trên dưới 5 triệu khối.
“Đối với nhu cầu cát cho 2 tuyến cao tốc, TP Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang thống nhất dành cho Cần Thơ và Hậu Giang 2 mỏ cát để sử dụng với trữ lượng 3,5 triệu khối/mỏ. Cơ bản cát cho cao tốc đã được giải quyết, chúng tôi tiếp tục đi tìm các nguồn mới để đáp ứng cho nhu cầu còn lại của cao tốc” – ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị Quyết 45 của Quốc hội tại TP Cần Thơ, ngành GTVT thành phố được giao nhiệm vụ triển khai chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An – Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa. Trong đó, thẩm quyền phê duyệt dự án là Cục Hàng hải Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT phê duyệt.
“UBND TP Cần Thơ cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam như tổ chức Hội nghị liên quan đến nội dung dự án, được nhiều nhà khoa học góp ý trên tinh thần tiếp thu tìm giải pháp” – ông Dũng thông tin thêm.