Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24.4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt mức án trên đối với bà Dung với cáo buộc phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội nhiều lần, bị truy tố ở khung hình phạt 5-10 năm tù.
Theo cáo trạng, trong quá trình làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ có nhiều khoản chi không đúng quy định, thanh toán trùng nhiều lần gây thiệt hại cho ngân sách số tiền hơn 48 triệu đồng (tại tòa đại diện Viện Kiểm sát đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng).
Trong đó, có khoản chi tiền phụ cấp cấp ủy và định mức tiết dạy (3 tiết/tuần) dành cho chức danh Bí thư Chi bộ của bà Lê Thị Dung. Cơ quan chức năng cho rằng, bà Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy mức 0,3 lương cơ sở mà còn tính mức 3 tiết/tuần để thanh toán nữa là thanh toán trùng, vi phạm pháp luật.
Về nội dung này, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Lê Văn Vỵ cho biết, 2 khoản chi nói trên là khác nhau, một bên là phụ cấp cấp ủy (phụ cấp trách nhiệm) hưởng theo Quy định 169/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, một bên là định mức tiết dạy (công sức lao động) dành cho chức danh Bí thư Chi bộ.
“Không thể coi đó là khoản chi trùng vì 2 khoản chi khác nhau về tính chất, đối tượng, mức chi, được quy định ở các văn bản khác nhau. Do đó, cần phải xem xét vấn đề này một cách cụ thể để tránh oan sai đối với bà Lê Thị Dung”- ông Lê Văn Vỵ nói.
Theo ông Lê Văn Vỵ, đối với giáo viên phổ thông làm Bí thư Chi bộ nhà trường thì được hưởng đồng thời phụ cấp cấp ủy và được giảm định mức 3 tiết/tuần. Giáo viên là tổ trưởng chuyên môn được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 mức lương cơ sở và giảm định mức 3 tiết tuần.
“Hiện chưa có quy định giảm trừ tiết dạy cho Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên kiêm Bí thư Chi bộ, do đó Quy chế chi tiêu nội bộ đưa ra định mức 3 tiết/tuần đối với chức danh này là hợp lý và được phép theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều VII, Thông tư 71/2006 của Bộ Tài chính”- ông Lê Văn Vỵ cho hay.
Về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà bà Lê Thị Dung bị cáo buộc, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét hành vi của bà Dung đã thỏa mãn cấu thành tội danh hay chưa.
Theo luật sư, tội nói trên có lỗi cố ý, cơ quan tố tụng phải chứng minh bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra, gây thiệt hại thì hành vi mới cấu thành tội phạm.
Theo nội dung trình bày tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quy chế đã được xây dựng hợp lệ và việc chi tiêu thực hiện đúng quy chế, được công khai trước nhiều cơ quan chức năng.
“Trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau, không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề” – luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Quy định xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ
“Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị, trong phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành, thì Thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị”. (điểm đ, khoản 2, điều VII, Thông tư 71/2006 ngày 9.8.2006 của Bộ Tài chính)