Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành, các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023.
Các chuyên gia nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, như nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua.
Cụ thể nhờ GDP tăng trưởng khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh qua các năm, từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 40,2% vào cuối năm 2022 (theo ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa để thực thi chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Lạm phát trong nước cũng hạ nhiệt trong hai tháng gần đây, khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể xem xét mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trước ngày 30.6: Chính phủ đã có chỉ đạo ngành giao thông vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Các dự án này cần khởi công trước 30.6 năm nay.
“Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên dự báo vốn nhà nước thực hiện sẽ tăng 25% so với số thực hiện thực tế trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể triển khai thêm các gói hỗ trợ tài khóa để góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới miễn, giảm, hoãn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp).
Việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa trong nước. Cụ thể, Chính phủ hiện xem xét triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng tiêu dùng, tương tự như chính sách được thực hiện vào năm 2022. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách này có thể được triển khai từ ngày 1.7” – VNDIRECT nhận định.
Trước đó, Báo Lao Động có bài viết: Vốn đầu tư công giải ngân ì ạch, cần chế tài xử lí nghiêm khắc phản ánh thực trạng để giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023 là một bài toán nan giải. Đặc biệt trong bối cảnh hết quý I, các bộ, ngành địa phương mới giải ngân được khoảng 10% con số trên. Giới chuyên gia nhận định, cần thiết có tính toán kĩ lưỡng về khả năng hấp thụ vốn đầu tư công.
Bà Phí Thị Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) – nhấn mạnh trong vấn đề giải ngân đầu tư công, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cần có chế tài xử lí nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lí dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.