Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và DongABank.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với SCB, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 10.2022, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vietcombank nhiều khả năng sẽ nhận chuyển giao CBBank
Tại Đại hội đồng cổ đông 4.2023, Vietcombank trình kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tin về tổ chức tín dụng yếu kém chưa được công bố. Tuy nhiên, trên thị trường từ lâu đã đồn đoán về khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank. Kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của CBBank với giá 0 đồng và giao cho Vietcombank tham gia quản trị, điều hành.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank – cho biết ngân hàng này đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2022. Trong năm 2023, một trong sáu trọng tâm mà ngân hàng này sẽ tập trung là triển khai đúng tiến độ đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém này.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022, Chủ tịch HĐQT Vietcombank – ông Phạm Quang Dũng cho biết ”Vietcombank đánh giá, với sự hỗ trợ theo quy định mà ngân hàng nhận được, thời gian xử lý sẽ không quá 8 – 10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường”.
Mất 11 tháng để MB định giá lại ngân hàng yếu kém
Tại MB, vấn đề nóng liên tục trong 2 mùa đại hội cổ đông vừa qua là việc cổ đông liên tiếp chất vấn Chủ tịch HĐQT MB về việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Mặc dù tên ngân hàng yếu kém chưa công bố chính thức nhưng thị trường đồn đoán về khả năng OceanBank sẽ về với MB.
Phó Tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh cho biết: “Việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Hiện MB đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình, thời gian định giá 11 tháng bắt đầu từ tháng 3.2023 và dự kiến chậm nhất đầu năm 2024 mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng đó được”.
Dấu hỏi về khả năng VPBank và GPBank
Tại ĐHĐCĐ 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc “VPBank có nằm trong diện hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và nới room ngoại không?”, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng tiết lộ: “VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng. Đối với vấn đề nới room ngoại, trong 4 ngân hàng thì có 2 ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49%. Tuy nhiên, tôi chưa thể nói chính xác vì điều này phụ thuộc vào quá trình phê duyệt”.
HDBank chủ trương góp vốn điều lệ không quá 9000 tỉ đồng cho ngân hàng yếu kém
Từ cuối năm 2022, HDBank từng đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỉ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Số tiền này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó ngân hàng này sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Mặc dù chưa công bố tên ngân hàng sẽ chuyển giao bắt buộc nhưng cái tên DongABank đang được chú ý trên thị trường.