69 làng nghề với hơn 350 nghệ nhân
Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 diễn ra từ ngày 28.4 đến ngày 5.5.2023. Đây là lần thứ 9, Huế tổ chức Festival Nghề truyền thống vào các năm lẻ, bắt đầu từ năm 2005. Festival năm nay quy tụ 21 nhóm nghề với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Sản phẩm của các nhóm nghề có truyền thống lâu đời, đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 không chỉ quy tụ các làng nghề và nghệ nhân trong nước mà còn có sự tham gia của 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nghệ nhân này đến từ các thành phố Takayama, Shizuoka, Saijo, Sasayama (Nhật Bản), Gongju, Namyangju (Hàn Quốc) và 1 hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc. Ngoài ra, lễ hội còn có sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn K-Pop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát diễn xướng (Hàn Quốc). Festival Nghề truyền thống Huế còn quy tụ các chương trình, hoạt động truyền thống như: Không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế của một số địa phương tiêu biểu trong cả nước và các thành phố quốc tế…
Cần những tấm thảm rất đỏ
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, sẽ không có gì sai nếu gọi Huế là trung tâm lớn của ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam, nhưng nó chỉ đúng vào giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỉ 20. Bởi thời bấy giờ kinh đô nhà nước phong kiến thời Nguyễn đã trưng tập các thợ giỏi bậc nhất của cả đất nước về đây để thành lập trên dưới 60 tượng cục (quan xưởng), sản xuất nhiều mặt hàng cao cấp để phục vụ triều đình và tầng lớp quý tộc, thượng lưu, trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, cùng với sự lụi tàn của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, các quan xưởng thủ công giải thể, những người thợ giỏi vốn được biên chế theo ngạch binh (lính thợ) đều trở về quê quán cũ và Huế đã mất vai trò từ đấy.
Huế – thành phố Festival đặc trưng rất cần những sản phẩm lưu niệm thủ công xuất sắc và ấn tượng… tham vọng này chẳng có gì viển vông. Và nếu ngày xưa triều đình nhà Nguyễn phát lệnh trưng tập thợ giỏi đến Huế, thì bây giờ chúng ta cũng phải tạo nên một dạng “trưng tập” khác là những lễ hội như Festival Nghề thủ công truyền thống đến nay đã tổ chức được 9 kì.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Huế sẽ rất “chính danh” trong việc sản xuất những mặt hàng cao cấp thời Nguyễn như đồ trang sức (các tác phẩm tinh xảo làm từ quý kim, ngọc thạch, mã não…); chất liệu phục sức của quý tộc xưa (gấm, the, lụa…); các sản phẩm pháp lam, đồ khảm tam khí, các loại giấy cao cấp để viết sắc phong, những sản phẩm sinh hoạt và giải trí của giới quý tộc…
Nếu có sự nhập cuộc của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp thì đó không phải là chuyện ngoài tầm tay” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nói.