Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thực tế khả năng cân đối bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt từ ngân sách nhà nước rất thấp.
Các cơ chế ưu đãi để huy động vốn đã được luật hóa (Điều 6 Luật Đường sắt 2017) nhưng thực tế không triển khai được.
Cụ thể, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 240.000 tỉ đồng. Thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước mới bố trí được 5,8%.
Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt quốc gia trong tổng thể nguồn vốn được bố trí qua Bộ Giao thông Vận tải là 18.657/227.841 tỉ đồng (chiếm khoảng 8,19%); nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 13.267 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt quốc gia trong tổng thể nguồn vốn được bố trí qua Bộ Giao thông Vận tải là 15.467/272.709 tỉ đồng (chiếm khoảng 4,73%).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự huy động được 1,9 tỉ đồng giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn này chủ yếu dùng cho việc đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải (đầu máy, toa xe…).
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020 ngành đường sắt thu hút được hơn 43 tỉ đồng vốn xã hội hóa để đầu tư vào bãi hàng tại các ga Yên Viên, Đông Anh và 1.302 tỉ đồng để thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Lợi nhằm hạn chế tai nạn giao thông và nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa khu vực tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành đường sắt chắc chắn sẽ không bị bỏ rơi. Thay vì chú trọng vào các hạng mục đường sắt truyền thống, thời gian qua, ngành giao thông chú trọng đầu tư nguồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị hiện đại, đường sắt tốc độ cao.
Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội, đường sắt đô thị đã được đầu tư 36.602 tỉ đồng với 04 dự án và Thành phố Hồ Chí Minh là 29.408 tỷ đồng với 02 dự án .
Ngày 17.4 , Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, nhiều tuyến đường sắt mới sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng. Điểm nhấn của ngành đường sắt thời gian tới sẽ là dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Theo đó ngành giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng, sau đó khởi công một số gói thầu của hai đoạn Hà Nội – Vinh, thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang.
Trước đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được trình Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định. Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỉ USD.
Cùng với đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị đầu tư nhiều tuyến mới như: TP HCM – Cần Thơ; Biên Hòa – Vũng Tàu; Cái Mép – Thị Vải; Thủ Thiêm – Long Thành; Hà Nội – Hải Phòng kết nối với cảng Lạch Huyện; tuyến nối ray ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, kết nối với Trung Quốc và một số nước; Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.