Nhiều kì vọng
Cuối năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai trương Hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hệ thống vé điện tử tạo thuận lợi cho du khách khi có thể mua vé mọi lúc mọi nơi, sử dụng một mã vé để tham quan nhiều điểm; thanh toán linh động bằng tiền mặt, trực tuyến, quét mã thanh toán, thanh toán qua thẻ, xuất biên lai điện tử; hạn chế tình trạng dồn ứ tại quầy bán vé truyền thống.
Hệ thống cũng giúp đơn vị quản lý cập nhật số liệu vé bán ra, doanh thu, lượt khách tham quan theo thời gian thực.
Việc triển khai các nền tảng du lịch thông minh và đưa vào sử dụng vé điện tử là vấn đề cấp thiết và là giải pháp hiệu quả để nâng cao công tác quản lý, điều hành của trung tâm, quản lý chặt chẽ nguồn thu bán vé, ngăn chặn thất thoát, sai sót trong quá trình đối chiếu, soát vé, giảm phiền hà cho du khách khi đến tham quan.
Lắm bất cập
Thế nhưng, qua những đợt cao điểm nghỉ lễ, nhiều du khách, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến tham quan di tích Huế đã chỉ ra nhiều điểm bất tiện, bất cập, nhiều phiền hà và mất thời gian của hệ thống vé điện tử mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai.
Theo đó, hướng dẫn viên H. T. cho biết, vào ngày 1.5, hướng dẫn viên này dẫn đoàn đi tham quan Đại Nội Huế, vì đợi lâu nên người này mua vé online, code vé không về kịp, khách không thể chờ lâu nên phải mua vé trực tiếp lại tại quầy, tính ra là 2 lần mua vé rất mất thời gian.
“Đợi lâu, khách khó chịu, la mắng, đi làm 12h giờ trưa mà chỉ muốn òa khóc. Tội cho mấy gia đình bồng bế con nhỏ, chờ mua vé quá lâu, con ngủ trên tay nên uể oải bỏ về hết”, hướng dẫn viên T. kể.
Còn hướng dẫn viên H.L. đánh giá, các nhân viên ở các điểm di tích Huế vẫn chưa thành thạo về hệ thống bán vé, kiểm soát vé mới này, nhiều người thao tác ở máy tính còn chậm, rất mất thời gian.
“Có lần tôi dẫn khách đi, khi quét mã QR còn 2 khách, nhưng lên lăng vua Khải Định thì bảo vệ quét mã không được. Tìm xuống nhân viên phòng vé kiểm tra thì phòng vé báo vẫn còn 2 vé.
Nhờ nhân viên phòng vé hỗ trợ để bảo vệ cho khách vào vì trời nắng, khách đợi lâu nhưng những nhân viên này từ chối. Cuối cùng, tôi phải điện cho một người ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế can thiệp mới xử lý được. Nhân viên có thái độ phục vụ rất tệ, thậm chí là vô cảm”, hướng dẫn viên L. bức xúc.
Còn hướng dẫn viên T. P., trước đây, khi sử dụng thẻ từ, hướng dẫn viên chỉ cần báo số lượng bao nhiêu khách là mua bấy nhiêu vé và phát cho mỗi khách một vé, rất linh động.
Từ khi triển khai hệ thống mới, số lượng bao nhiêu khách tích hợp lên 1 vé, buộc hướng dẫn viên phải cầm vé.
“Trường hợp đoàn đông, hướng dẫn viên không kịp nhớ hết mặt khách, tôi phải gom cả đoàn lại 1 lần, nhờ trưởng đoàn kiểm đếm từng người để đảm bảo đúng người đoàn mình hay không, tránh tình trạng người đoàn khác lọt vào lại mất vé, thực sự rất phiền hà và mất thời gian, hệ thống bán vé 4.0 mà hiệu quả thì 0.4”, anh P. nói.
Một trường hợp nữa là hướng dẫn viên A. Q. cho biết, vào ngày 1.5, khách ở phía trong Đại Nội ít, còn ở phía ngoài thì rất đông bởi phải xếp hàng đợi mua vé quá lâu.
“Một cửa bán vé có 2 người, 2 hình thức thanh toán là tiền mặt hoặc chuyển khoản, nếu là hướng dẫn viên thì đã biết trước nên chần nhanh hơn.
Còn nhiều du khách không biết, đến khi nhân viên ra mã vé rồi thì du khách nói chuyển khoản, lúc này, nhân viên nói đây là chỗ thanh toán vé bằng tiền mặt, trong khi du khách không đem tiền mặt nên phải hồi vé đó, quay lại xếp hàng đợi lượt kế tiếp, rất là mất thời gian, mất thời gian hơn nhiều so với trước đây”, hướng dẫn viên A. Q. kể.
Cũng theo hướng dẫn viên A. Q., trong ngày 1.5, chị xếp hàng từ 9h sáng đến 10h sáng vẫn chưa mua được vé. Du khách xếp hàng dài đợi mua vé, nhiều hướng dẫn viên chen ngang ở cửa hông điểm bán vé nên người bán vé ưu tiên, trong khi nhiều du khách đợi đã lâu vẫn chưa đến lượt. Vừa mất công bằng vừa lộn xộn.
Ngoài ra, trong khi đang xếp hàng đợi mua vé, chị A.Q. đã thử mua vé online, sau khi trừ tiền thì code vé không về nên chị đành phải đợi xếp hàng để mua vé lần 2.
“Không chỉ tôi, một số hướng dẫn viên khác cũng gặp tình trạng tương tự. Mua vé online đợi mãi code vé không về nên phải mua vé trực tiếp, đến khi mua được vé trực tiếp thì khoảng 1 tiếng sau code vé online lại về, thế là đi 1 lần mà phải mua 2 vé, mất tiền mà không khiếu nại được.
Ngoài ra, có một vài du khách cũng mua vé online nhưng code vé không về, họ lại phải mua vé trực tiếp. Du khách không biết khiếu nại ở đâu, điện vào đường dây nóng trên hệ thống Hue-S nhưng không ai nghe máy”, chị A. Q. bức xúc.
Sau khi chị A.Q. bị trừ 1,3 triệu đồng tiền mua vé online mà code vé không về, chị đã khiếu nại lên hệ thống Hue-S nhưng đến nay vẫn chưa được xử lí, vẫn chưa được nhận lại tiền.
Thêm một bất cập mà HDV A.Q. này chỉ ra, trước đây, khi có kế hoạch đi Đại Nội thì có thể mua vé trước vài ngày, đến ngày đi thì chỉ việc cầm vé vào cổng, còn hệ thống vé mới này buộc phải mua từ thời điểm đó.
Hệ thống cũ nếu mua vé mà trường hợp có khách không đi thì có thể để dành cho khách đoàn sau hoặc trả lại vé, còn hệ thống mới trong vòng 2 ngày không đi thì vé hủy và mất tiền.