Dự án ngổn ngang
Mua căn hộ chung cư 3 tỉ đồng thế nhưng chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1988, sinh sống tại chung cư Sky Central) hàng ngày vẫn phải đi lại qua con ngõ nhỏ hẹp trên tuyến phố Định Công.
Do nhiều đoạn thuộc tuyến dự án Vành đai 2,5 cắt qua chung cư còn ngổn ngang, chưa thành hình nên nhiều người dân sinh sống tại đây như chị Hằng đã quá ám ảnh khi thường xuyên phải đối mặt là cảnh ùn tắc, bụi bẩn và ngập úng khi phải len lỏi qua con phố vốn đã quá tải.
Thậm chí có hôm tắc đường quá, những người sinh sống trong tổ hợp chung cư ở ngõ 176 Định Công như tôi còn phải tìm cách đi gửi xe ôtô, xe máy tạm bên ngoài rồi đi bộ về nhà” – chị Hằng nói.
Chị Lê Thanh Mai (SN 1990, sinh sống trên phố Định Công) chia sẻ, theo quy hoạch, tuyến phố nơi chị sinh sống sẽ có trải dài theo trục đường Vành đai 2,5.
Thế nhưng sau nhiều năm thi công, viễn cảnh về con đường 6 làn xe trị giá hơn 1.300 tỉ đồng chạy qua dự án vẫn chưa thể thành hình.
Gạch đá, phế thải đổ đống nguy hiểm, một số trường mầm non trong ngõ cũng không dám mở cửa cho trẻ ra sân vui chơi.
Tìm giải pháp nhanh chóng khép kín tuyến đường vành đai
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tuyến Vành đai 2,5 dài khoảng 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40 – 50 m, hướng tuyến từ Lĩnh Nam – Kim Đồng – Định Công – Nguyễn Trãi – Yên Hòa – Xuân Đỉnh – Phú Thượng.
Vành đai 2,5 có 3 đoạn quan trọng để khép kín là đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng – đường Dương Đình Nghệ (dài 720 m), đoạn Trung Kính – Trần Duy Hưng (dài 580 m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum – Đầm Hồng (dài 1.890 m) với tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỉ đồng.
Theo đó, mục tiêu xây dựng tuyến đường Vành đai 2,5 nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của TP Hà Nội, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực, tăng khả năng thông hành của các phương tiện tham gia giao thông.
Riêng tại đoạn qua sông Lừ, dự án đường Vành đai 2,5 sẽ xây một cây cầu mới có mặt cắt rộng khoảng 40 mét, nằm sát cầu Định Công nhưng đến nay những mối cầu đã han rỉ, xuống cấp và chưa hoàn thiện.
Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải – thông tin, quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia cần một cái nhìn tổng thể, đồng bộ, tối ưu và hiệu quả.
Nhiều dự án giao thông được quy hoạch như đường Vành đai 2,5 nhưng có một điểm chung là các dự án này chưa ấn định rõ thời gian bao giờ thì xong, bao giờ thì hoàn thiện công trình và trách nhiệm của người đứng đầu khi để dự án thi công ì ạch, chậm tiến độ gần hai thập kỷ.
Chuyên gia nhấn mạnh, việc dự án giao thông, đường Vành đai 2,5 thi công chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân mà còn lãng phí hàng nghìn tỉ đồng không thể đo đếm được.
“Theo tôi, Luật Quy hoạch cần phải bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu, người làm quy hoạch, bổ sung thời hạn công trình phải hoàn thiện như là một tiêu chí mang tính pháp lý của quy hoạch” – TS Nguyễn Xuân Thủy đề cập.