Các báo cáo thị trường công nghiệp quý I/2023 cho thấy, nhờ vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối được cải thiện, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc tiếp tục nhận được làn sóng đầu tư, đặc biệt là từ ngành công nghiệp điện tử và ô tô (các nhà đầu tư đáng chú ý bao gồm Goertek, Autoliv, Xiamen Sunrise Group, v.v.).
Điều này đã giúp tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng nhẹ 1% theo quý, tương đương với diện tích hấp thụ là 81 ha.
Dự báo nguồn cung tương lai của nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tại miền Bắc tiếp tục dồi dào trong giai đoạn 2023 – 2025 với 1,2 triệu m2 nhà xưởng và 700.000 m2 nhà kho gia nhập thị trường. Thị trường công nghiệp miền Bắc chào đón nguồn cung mới khoảng 116 ha từ KCN Tam Dương I – Phân khu 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tương tự như thị trường khu công nghiệp, tỉ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ 1% theo quý do nhu cầu từ các doanh nghiệp phụ trợ trong ngành điện tử và các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ khác vẫn được duy trì.
Giá chào thuê sơ cấp của khu công nghiệp được ghi nhận ở mức 115 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 2,9% theo quý và 5,5% theo năm nhờ nhu cầu cao đối với loại hình này.
Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ 1,9% theo quý do một số dự án điều chỉnh giá thuê, ghi nhận ở mức 4,7 USD/m2/tháng. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho xây sẵn vẫn giữ ổn định trong quý này, ở mức 4,5 USD/m2/tháng.
Theo dự báo, giá thuê BĐS xây sẵn có thể tiếp tục tăng. Một số chuyên gia cho rằng, việc giá thuê trên thị trường điều chỉnh mà không dựa trên một thang đo thống nhất giữa các địa phương không chỉ ảnh hưởng đến bài toán chi phí của nhà đầu tư FDI, mà còn đặt họ vào thế bị động trong hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, cần có cơ sở pháp lý để địa phương và doanh nghiệp dựa vào khi điều chỉnh giá thuê bất động sản công nghiệp tăng hoặc giảm khi thị trường có sự thay đổi về lực cung và cầu.
Bởi BĐS công nghiệp cũng là một loại tài sản thương mại, cần phải có sự kiểm soát để thị trường được ổn định, tránh tình trạng các địa phương và doanh nghiệp “đua nhau” tăng giá khi niềm tin trên thị trường tăng lên, để giá vượt xa chất lượng thực, khiến nhiều nhà đầu tư không thể tiếp cận được thị trường khi có nhu cầu.
Sau đó khi lực cầu giảm, giá thuê cũng giảm theo, dẫn đến khai thác kém hiệu quả tài nguyên đất và tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp nói chung. Không nên để thị trường BĐS công nghiệp rơi vào trạng thái tăng trưởng nóng vội bởi nó có ảnh hưởng sâu rộng đến diện mạo kinh tế – xã hội của địa phương.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho biết, việc thiết lập một thước đo tiêu chuẩn chung về giá thuê BĐS công nghiệp cũng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, giúp nhà đầu tư FDI có nhiều sự lựa chọn và giúp phân bố cơ sở sản xuất công nghiệp rải đều trên các tỉnh thành, khu vực có nhiều điểm chung về địa lý, cơ cấu dân số, môi trường đầu tư.
Đồng thời, một cơ sở pháp lý thống nhất về giá thuê cũng góp phần tránh tình trạng phát triển manh mún, rời rạc mà thay vào đó tăng cường tính liên kết giữa các tỉnh thành, giúp tạo dựng mạng lưới khu, cụm công nghiệp quy mô lớn.