Mặc dù có sự khởi sắc, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II/2023. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.
Theo dự báo trong quý II/2023, sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm, tăng thêm 150.000 người so với quý I/2023 là 51,1 triệu người có việc làm. Tập trung tại các ngành sản xuất các sản phẩm điện tử máy tính và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600 việc làm, sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 việc làm.
Tuy nhiên, dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm. Ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000 việc làm. Ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 việc làm.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư), mặc dù thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi khi lực lượng lao động, số người có việc làm tăng, song vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may – da giày, điện – điện tử… buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) – bà Phí Thị Hương Nga đánh giá, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại… Khó khăn do giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5% – 10% và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…
Theo ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để tránh việc cho lao động nghỉ việc nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì giữ được lực lượng lao động làm việc trong đơn vị bằng các hoạt động khác như cho lao động làm ca, giãn việc, giảm giờ làm… Bởi sau quá trình phục hồi, sau khủng hoảng qua đi thì việc tuyển dụng lao động cũng là cả một quá trình khó khăn đối với doanh nghiệp.
Để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn giữ vững tính ổn định và phát triển, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song song đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên đề, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho người lao động.