Sinh con không phải nghĩa vụ
Chị Nguyễn Quỳnh Hương (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, có nhiều lý do để chị quyết định theo đuổi lối sống DINKs.
Theo chị Hương, mỗi người đều có một tiêu chuẩn hạnh phúc riêng và có quyền lựa chọn cách sống của chính mình. Không thể kết luận việc lựa chọn không sinh con là việc làm sai trái và đáng lên án. Tuy nhiên, hiện nay, đa số mọi người vẫn có cái nhìn khá tiêu cực về quan điểm này, điều đó rất đáng tiếc.
Từng có thời gian giảng dạy và tiếp xúc với các em nhỏ, chị Hương hiểu rõ trẻ em sinh ra trong gia đình với mức thu nhập khá có lợi thế như thế nào. Chị đã trăn trở và áp lực trước nỗi sợ về sức khỏe con cái, những rủi ro vượt ngoài tầm kiểm soát tài chính.
“Lựa chọn lối sống DINKs hay không cũng sẽ có mặt tích cực, đi kèm với đó là những rủi ro và khó khăn riêng. Mỗi người sẽ có cái nhìn và sự cảm nhận khác nhau điều gì phù hợp hơn với bản thân.
Đồng quan điểm, chị Trúc Mai (Phú Thọ) cho rằng việc phát triển bản thân, làm kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và rất khó cân bằng khi phải chăm lo cho con cái.
Vợ chồng chị Mai đã từng phải chịu áp lực từ phía gia đình, họ hàng về việc sinh con. Chạy chữa nhiều năm, hiện tại vợ chồng chị đã có 1 cháu. Tuy nhiên, chị Mai đang gặp khó khăn về sức khỏe với việc sinh cháu thứ 2.
“Tôi không biết là mình đã mang thai và nhỡ uống thuốc gan nên vô cùng lo lắng. Ngẫm lại, tôi thấy bỗng nhiên tại sao vợ chồng tôi đang sống hạnh phúc lại cứ bị kéo vào guồng quay sinh đẻ của xã hội. Tại sao mình phải chịu những nỗi lo này?” – chị Mai tâm sự.
Bày tỏ mong mỏi về vấn đề này, chị Mai cho rằng việc không sinh con hoặc sinh bao nhiêu con là đủ là quyền tự do của mỗi cặp vợ chồng.
Không nên xem đây là một trào lưu
Chị Thanh Thu Hòa (32 tuổi, Bình Dương) đồng ý việc sinh con hay không là quyết định của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không nên xem đây như một trào lưu để để tránh những hệ quả đáng tiếc.
Với chị Hòa, không có sự ràng buộc bởi trách nhiệm với con cái có thể vô tình dẫn đến việc giới trẻ sống theo kiểu buông thả, thích hưởng thụ và không có mục tiêu. Những người này chỉ nhìn vào những cái lợi trước mắt như sự tự do, giảm bớt áp lực tài chính… mà không có tính toán lâu dài.
Chị Hòa cũng phản đối quan điểm của giới trẻ hiện nay khi xem con cái gánh nặng, cản trở việc phát triển bản thân.
“Tôi từng chứng kiến những người bạn sau khi có gia đình và con cái đã trưởng thành hơn rất nhiều. Họ bắt đầu tập trung vào làm ăn, biết cách tiết kiệm và sống chuẩn mực hơn để làm gương cho con. Trách nhiệm của người làm cha mẹ có nặng nề, nhưng đây cũng là động lực để mỗi người nỗ lực và phấn đấu” – chị Hòa nói.
Theo chị Hòa, việc quan tâm và dành thời gian để giáo dục và chia sẻ với trẻ mới là điều cần phải được chú trọng nhiều hơn. Tiền có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không thể mua được một mái ấm.
Về việc sinh con, chị Hòa khẳng định, việc này có ý nghĩa quan trọng với phát triển của xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố cốt lõi như nguồn lao động, già hóa dân số… Vậy nên, việc tạo ra những thế hệ tiếp nối là một trong những quy luật sống còn của tự nhiên.
Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 28,4% số người được hỏi cho biết, không muốn có con. Khoảng 40,4% cho hay, họ chỉ muốn có 1 đứa. Và 29,4% nói rằng, con số lý tưởng là 2 trẻ.
Thống kê cho thấy, không riêng gì Hong Kong, những nền kinh tế khác như Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore cũng nằm trong số 7 khu vực có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới bất chấp thực tế rằng, đây đều là những vùng có nguồn cội văn hóa Nho giáo, vốn coi trọng việc có con cái để nối dõi tông đường.