Giá dầu mất mốc 80 USD/thùng
Phiên giao dịch sáng 2.5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm them 0,02 USD/thùng, tương đương 0,03%, xuống 75,64 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,02 USD/thùng, tương đương 0,03%, xuống mức 79,29 USD/thùng.
Kết thúc phiên hôm qua, giá dầu WTI giảm 1,46% xuống 75,66 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,27% xuống 79,31 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm 2 tuần liên tiếp và chính thức mất mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhóm họp để quyết định về mức tăng lãi suất. Fed sẽ họp vào ngày hôm nay và ngày mai. Nhiều người e ngại Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản ở kỳ họp này. Các chuyên gia nhận định nếu Fed tăng lãi suất thì điều đó sẽ không có lợi cho giá dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu tác động từ dữ liệu kinh tế mới được công bố của Mỹ
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu tác động với báo cáo yếu hơn của ngành chế tạo Trung Quốc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo Trung Quốc đã giảm từ 51,9 điểm trong tháng 3 xuống 49,2 điểm trong tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21.4. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán mức giảm chỉ vào khoảng 1,5 triệu thùng.
Nhận định về giá dầu trong thời gian tới, trao đổi với Lao Động, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam – cho biết, mặc dù nguồn cung từ nhóm OPEC+ sẽ có xu hướng giảm, nhưng sự gia tăng sản lượng tại Mỹ và các nước ngoài OPEC sẽ bù đắp một phần thiếu hụt.
Sản lượng dầu thô tại Mỹ đang ở khoảng 12,3 triệu thùng/ngày, theo báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4.2020.
Theo ông Quang Anh, cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô sẽ khá ổn định trong giai đoạn tới. Giá dầu thế giới, mặc dù khó rơi xuống dưới 70 USD/thùng như hồi giữa tháng 3.2023, do nguồn cung thu hẹp, nhưng tiêu thụ ở mức phù hợp với nguồn cung cũng khiến cho cung – cầu đảm bảo hơn. Giá dầu có thể sẽ duy trì vùng giá 70 – 80 USD/thùng trong vài tuần tới.
Khi giá dầu thế giới xác lập vùng giá ổn định, thị trường xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều hành ổn định và hài hòa hơn.
“Sự ổn định của giá xăng dầu trong giai đoạn tới cũng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, có quan hệ mật thiết với sự vận hành của các hoạt động kinh tế.
Thông thường, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá thành vận tải đường bộ, lên tới 35-40%. Giá nhiên liệu hạ nhiệt sẽ giúp giá cước vận tải ổn định hơn, từ đó hỗ trợ công tác bình ổn giá cả hàng hoá trên thị trường” – ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Chiết khấu xăng dầu tăng trở lại
Trong nước, chiết khấu bán lẻ xăng dầu sáng 2.5 được Petro Times thông báo ở mức cao. Dầu diesel lấy tại một số kho khu vực phía bắc là 2.150 đồng/lít, xăng 2.000 đồng/lít.
Ngày 4.5 là kỳ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, dự báo các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm theo giá thế giới.
Theo tính toán của một số doanh nghiệp đầu mối, giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đang thấp hơn giá bán trong nước trên dưới 1.000 đồng/kg/lít. Mức này chưa bao gồm Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác, nếu có.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng dầu sau kỳ nghỉ lễ ra sao còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới trong những ngày tới; phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác, nếu có.