Dự án làm đường khiến hộ dân lâm cảnh lao đao
Nhiều ngày qua, một số hộ dân tại Ngã ba cầu 16, xã Tây Thuận tỏ ra bức xúc khi đơn vị thi công dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đã cào bốc, đào các hố sâu trước nhà dân, nhưng lại không đổ đất để tạo lối đi, khiến cho việc sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hồ Văn Thao (SN 1970, người dân sống tại ngã 3 cầu 16, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cho hay, mặt đường trước nhà ông Thao bị cào bốc, đào hố nhiều hố sâu để phục vụ làm đường đã được gần một tháng, tuy nhiên đơn vị thi công dự án lại không đổ đất để làm lối đi, khiến cho việc đi lại của gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
“Cả tháng nay, chỗ nhà tôi và một số nhà bên cạnh không có lối đi, trẻ nhỏ từ trong nhà đi ra vô chỗ này thường hay bị té, xây xát hết cả người. Khoảng nửa tháng nay, chúng tôi có phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không ăn thua. Đơn vị thị công thì cứ hứa hẹn mãi, không chịu giải quyết.
Mong sao cho các đơn vị làm xong sớm chứ như thế này quá bất tiện. Tiệm sửa xe của tôi đóng cửa cả tháng nay chứ không làm ăn gì được, đi chợ hay đi công việc cũng rất khó khăn” – ông Thao bức xúc nói.
Tương tự, bà Văn Thị Hồng (SN 1961, người dân sống tại ngã 3 cầu 16, xã Tây Thuận) cho hay, thu nhập chính của nhà bà phụ thuộc vào việc kinh doanh nhà nghỉ. Tuy nhiên, gần cả tháng nay, nhà nghỉ của bà Hồng không có khách đến thuê phòng vì không có lối ra vào.
“Tôi ở đây không có đất hay ruộng, chỉ kinh doanh nhà nghỉ để sinh sống, thuế tôi vẫn đóng đủ, làm đường mà không làm lối đi thì sao khách họ vào. Biết là làm đường sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng làm sao phải giảm thiểu ảnh hưởng. Chứ móc đường sâu cả mét mà không làm lối đi người dân” – bà Hồng nói.
Chủ đầu tư cho rằng người dân nói quá?
Trao đổi với PV, ông Phạm Lê Trung Hiếu – Chỉ huy Trưởng, Công ty Trung Nam 18 E&C (đơn vị thi công) – cho biết: Theo kỹ thuật thi công thì cần phải lu rung, tuy nhiên việc này không thể tránh khỏi sai sót. Trong quá trình làm, có 2 hộ dân không cho phép lu rung đường vì sợ nứt nhà, nên đơn vị đã thay đổi biện pháp thi công nhưng vẫn không đảm bảo nên phải dừng lại.
“Để xảy ra tình trạng bất cập trên có một phần trách nhiệm của đơn vị song lỗi hoàn toàn không thuộc về nhà thầu. Bởi khi đào đường để làm thì mới biết là người dân họ phản đối.
Vừa rồi, đơn vị cũng làm việc với địa phương để vận động các hộ phản đối để tiến hành thi công nhanh đoạn đường đó. Nhà thầu cũng muốn thi công đoạn đó chỉ trong 1 – 2 ngày, tuy nhiên khi làm thì bị gián đoạn nên mới kéo dài thế này. Chúng tôi cũng mới đổ đất để làm lối đi cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án” – ông Hiếu cho hay.
Thông tin về tình trạng trên, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cho biết: Ban cũng thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công phải đảm bảo đời sống của người dân khi triển khai dự án. Còn việc đơn vị thi công không đổ đất làm lối đi cho người dân là do họ nói quá lên thôi.
Trao đổi với PV, ông Trần Thái Hòa – Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 – nói rằng: Vừa rồi, đoàn có đi kiểm tra và có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên, đơn vị cũng có yêu cầu nhà thầu rào chắn lại các vị trí được đào để làm dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định – cho hay, đơn vị sẽ có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 2 thực hiện các biện pháp xử lý để đảm bảo đời sống của người dân.