Khái niệm ngày cuối tuần, ngày lễ cực kỳ xa vời với những người làm hướng dẫn viên du lịch. Anh Vũ Tuấn Hưng (32 tuổi) ngụ tại quận Cầu giấy, Hà Nội liên tục phải dẫn khách, chưa có một ngày nghỉ ngơi cùng gia đình. Thậm chí, khách hàng nhiều đến mức anh phải thường xuyên đăng tìm hướng dẫn viên đi giúp.
“Trung bình mỗi ngày tôi phải phục vụ ít nhất một đoàn từ sáng sớm đến tối muộn. Ngày nào về đến nhà cũng hơn 21h tối, người mệt nhoài. Ai cũng muốn ngày lễ đoàn viên bên gia đình nhưng với chúng tôi rất khó thực hiện, đã chọn nghề này thì phải chấp nhận” – anh Hưng nói.
Khi được hỏi về chế độ hay mức thưởng khi đi làm ngày lễ, anh Hưng chia sẻ: Gần như là không có. Chỉ có khách đặt tour dài ngày mới có tiền típ còn khách trong ngày đơn giản là lời cảm ơn.
Chia sẻ thêm, anh Hưng cho biết trước đây làm cho công ty du lịch vào những ngày lễ, hướng dẫn viên như anh sẽ được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày. Nếu đi tour xa hoặc dài ngày được hỗ trợ thêm 200.000 đến 300.000 đồng/ngày, lương cứng từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng tùy từng công ty.
Vào những ngày nghỉ lễ, mọi người thường có nhu cầu làm đẹp để đi chơi đặc biệt là các dịch vụ làm đẹp nhanh tức thì. Vì thế, tiệm nail – mi, chăm sóc da và tóc của chị Nguyễn Thị Thùy (28 tuổi, Hải Dương) nhờ vậy mà luôn tấp nập.
Đây là dịp nghỉ lễ thứ hai chị Thuỳ không có ngày nghỉ từ khi mở tiệm làm đẹp. Dịch vụ làm đẹp của chị chủ yếu là tóc, móng, mi và chăm sóc da mặt cơ bản. Không cần chờ đợi phục hồi lâu như phẫu thuật thẩm mỹ nên làm rất nhanh, nghỉ lúc nào làm lúc đó.
Chị Thùy cho hay, khách đến làm đẹp đông nhất vào ngày đầu và cuối nghỉ lễ. Làm ngày đầu để đi chơi cùng gia đình, bạn bè, làm ngày cuối để hôm sau đi làm tiện khoe với đồng nghiệp. Mỗi ngày lễ, chị Thùy tiếp đến 20 khách, chỉ có 1 tiếng buổi trưa để tranh thủ ăn cơm và chợp mắt.
Những ngày lễ chính là những ngày vất vả nhưng đổi lại có doanh thu cao nhất với chị Nguyễn Thị Hồng Gấm (32 tuổi) – chủ cửa hàng tạp hóa tại Nam Định. Theo chị Gấm, trong 4 ngày nghỉ lễ, lượng khách đến cửa hàng tăng gấp đôi, có hôm gấp ba so với ngày thường.
“Tận dụng lúc mọi người đều ở nhà, có nhiều thời gian nên cửa hàng tôi tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Điển hình như tích điểm đổi quà, giảm giá, quay số trúng thưởng. Các mặt hàng bán chạy nhất chính là sữa, đồ ăn nhanh, nước giải khát, kem” – chị Gấm nói.
Lượng khách hàng đông đến mức hai vợ chồng chị Gấm và một nhân viên cũng không phục vụ kịp. Do đó, chị đã phải huy động thêm người nhà đến hỗ trợ để tránh khách hàng phải chờ đợi lâu chuyển sang cửa hàng khác.
Theo ghi nhận, không chỉ du lịch, buôn bán, làm đẹp tranh thủ ngày lễ để kinh doanh mà còn rất nhiều nghề khác. Điển hình như nghề bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, lính biên phòng, y bác sĩ. Có chăng chỉ là thay ca túc trực, hỗ trợ chứ không được nghỉ lễ trọn vẹn như những nghề thông thường.