Điểm sáng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân một phần là sự phục hồi của Việt Nam sau COVID-19, một phần khác là sự chuyển hướng thương mại. Một số khoản đầu tư đang chuyển sang Việt Nam và đây cũng là một động lực cho Việt Nam. Ông Daniel Leigh – Trưởng bộ phận nghiên cứu, Vụ nghiên cứu Kinh tế thế giới của IMF – cho rằng, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024. Lạm phát ở Việt Nam cũng tương đối thấp, chỉ 3,15% vào năm 2022 và sẽ tăng lên 4,3% vào năm 2024.
IMF đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những quý còn lại của năm nay và 5 năm tới. Quan điểm của IMF là chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Còn về ổn định tài chính, chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ ổn định thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các công cụ cụ thể. Nhưng điều đó không nên làm xao lãng động thái tổng thể hướng tới ổn định lạm phát.
IMF thực sự hy vọng có nhiều cải cách hơn để khuyến khích nguồn cung, sự tham gia của lực lượng lao động để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực, tăng cường giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất là cải thiện sự hợp tác giữa các quốc gia để hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng phân mảnh do cải cách thương mại.
Trong khi đó, các chuyên gia AMRO dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2023 và tăng lên 7,1% trong năm 2024.
Dù còn nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng của Việt Nam, như đã thể hiện trong con số tăng trưởng yếu của quý I/2023, nhưng cũng có những lý do để lạc quan. Tiêu dùng nội địa tiếp tục ổn định, các ngành dịch vụ mạnh mẽ hơn và chi tiêu-đầu tư công gia tăng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Tích cực hơn, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo là 6,3% trong năm 2023. Cũng theo WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào quý II/2023 và 2 năm tiếp theo (2024-2025), với dự báo tăng trưởng lên mức 6,5% mỗi năm.
Tăng tốc từ quý II/2023
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…
Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.
Đã có nhiều sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm.
Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi.
Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ…
Chính sách tỉ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất. Các cấp các ngành và địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư…
Ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá…
Mục tiêu ngắn hạn là ưu tiên các hộ gia đình dễ tổn thương
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.
Trong trung hạn, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi. L.H