Từ đầu năm 2021, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế. Tổng khối lượng phát hành năm 2021 đạt 1 tỉ USD. Việt Nam là thị trường có lượng phát hành lớn thứ 2 khu vực ASEAN. Nhu cầu tài chính xanh của Việt Nam được dự báo tăng mạnh.
Việt Nam cần vốn lớn cho tăng trưởng xanh phát triển bền vững
Nhu cầu vốn phục vụ cho tăng trưởng xanh của Việt Nam là khá lớn. Theo các chuyên gia của WorldBank, mức đầu tư tối thiểu trung bình cần đạt là 20,4 tỉ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2040. Việt Nam đứng trước yêu cầu đầu tư lượng vốn lớn, đặc biệt là các lĩnh vực về hạ tầng giao thông, chuyển dịch năng lượng.
Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC nhận định Việt Nam sẽ cần khoảng 753 tỉ USD đầu tư cho khí hậu trong giai đoạn 2016-2030. Trong đó hơn 75% là cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khoảng 8% cho năng lượng tái tạo, 4% cho các dự án năng lượng mặt trời và khoảng trên 10% cho lĩnh vực công trình xanh.
Các dự án đầu tư xanh tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới, nhà đầu tư. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng ADB – cho rằng: “Sau tuyên bố tại COP26, Việt Nam nhận được sự ưu tiên đặc biệt lớn để phát triển tài chính xanh từ cộng đồng quốc tế.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – nhận định: “Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các quy định cụ thể về khái niệm, tiêu chuẩn các ngành nghề, lĩnh vực xanh được ngân hàng cho vay theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng với các văn bản hướng dẫn xác định dự án đạt tiêu chí xanh, tiêu chuẩn tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nói chung để phát triển tín dụng xanh như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, phí, dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng… Cần nghiên cứu thành lập Quỹ tài chính xanh để quản lý huy động và phân bổ nguồn tài chính xanh hiệu quả và bền vững hơn.
Chưa có pháp lý cho thị trường trái phiếu xanh
“Văn bản pháp lý của Việt Nam chưa tách bạch thị trường trái phiếu xanh khỏi thị trường trái phiếu chung. Từ năm 2016, Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương đã triển khai. Năm 2018, Chính phủ ban hành quy định về phát hành trái phiếu xanh với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương.
Theo đó quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ xanh được thực hiện giống với trái phiếu thông thường. Ngay cả Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2030 đề cập khá mờ nhạt đến định hướng, giải pháp phát triển trái phiếu xanh” – chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định.
“Việt Nam cần ban hành các chính sách khuyến khích các đơn vị trong nước tham gia vào quy trình xác nhận, chứng nhận khung trái phiếu xanh và dán nhãn trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chủ động xây dựng các dự án, chương trình cụ thể để có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế như: WorldBank, ADB, IFC..” – TS Cấn Văn Lực cho biết.
Cần ban hành hướng dẫn bổ sung quy định về việc đánh giá tính xanh của dự án hoặc hạng mục dự án định kì. Đồng thời, cần có thêm hướng dẫn trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kì đánh giá như cách thức xử lí, khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục…
Bàn về giải pháp phát triển thị trường cổ phiếu xanh, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường vốn xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường vốn xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song với những chính sách về tăng trưởng xanh.
Theo đó, cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo bền vững và giám sát doanh nghiệp theo các tiêu chí tài chính xanh…