Mệt mỏi vì cảnh ùn tắc, nhồi nhét
Di chuyển với chặng đường khoảng 230 km từ Thủ đô Hà Nội về Quỳnh Lưu (Nghệ An), chị Phan Nguyễn Phượng Anh (25 tuổi) phải mất 8 tiếng về đến nơi.
Đã đi hàng chục lần từ Hà Nội về quê, nhưng đây là lần đầu tiên chị trải qua cảm giác mệt mỏi vì ùn tắc trong đợt nghỉ lễ lần này.
Chị Phượng Anh cho biết, dự đoán được việc ùn tắc nên chị đã quyết định đặt vé vào sáng 29.4 với hi vọng sẽ đỡ đông đúc hơn.
Tuy nhiên, khi bắt gặp những hình ảnh ùn tắc nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường trong ngày 28.4, chị bắt đầu cảm thấy lo lắng.
“Đi xe ngày thường tôi đã thấy mệt, nhưng chỉ gần 4 tiếng là đến nhà, còn hôm nay phải mất rất nhiều thời gian. Thậm chí buồn đi vệ sinh nhưng cũng không thể đi được vì mưa lớn và tắc đường” – chị Phượng Anh nói.
Mệt mỏi vì tắc đường đã đành, tình trạng nhồi nhét khách trên xe càng khiến chuyến đi của chị Phượng Anh trở nên ám ảnh hơn.
“Bao nhiêu năm về quê dịp lễ tết và từ quê ra thành phố sau dịp lễ tết, lần nào cũng khổ sở. Xe nào cũng vậy, không chấp nhận việc ngồi luồng, nhồi nhét cũng không được” – chị Phượng Anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Na (22 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, chị đã đặt xe về Nghệ An từ tối 28.4. Tuy nhiên, do chưa thể thu xếp xong công việc nên chị không thể về quê như dự định.
Nhưng may mắn, chị Na vẫn đặt được một vé về quê khởi hành vào 7h sáng hôm sau.
“Sáng 29.4, Hà Nội trời mưa trắng xóa, xe đón tôi ở Bến xe Mỹ Đình, nhưng khi lên đến đường Vành đai 3 trên cao thì tắc đến gần 10 km. Các phương tiện nối nhau nhích từng chút và mất gần 2 tiếng mới di chuyển vào đến đầu cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ” – chị Na kể.
Khi vào đến đây, tưởng như đường đã thông thoáng, nhưng tình hình cũng tồi tệ không kém Vành đài 3.
Thoát khỏi cao tốc, nhưng về đến nhiều nút giao trên địa bàn Thanh Hóa và Nghệ An, ùn tắc cục bộ cũng xảy ra.
“Ai nấy trên xe đều mệt mỏi, bố mẹ liên tục gọi cho tôi để hỏi thăm tình hình” – chị Na nói và cho biết, chị mất 10 tiếng đồng hồ cho quãng đường 300 km từ Hà Nội về quê.
Chọn về xe máy để tránh ùn tắc
Nhận định sẽ khó thoát cảnh ùn tắc, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, nhiều bạn trẻ đã chọn đi xe máy về để chủ động hơn về thời gian, tránh tình cảnh mệt mỏi khi đi xe khách.
“Đi xe máy sẽ thoải mái về thời gian di chuyển, mệt ở đâu thì dừng nghỉ tới đó” – anh Nguyễn Đình Ngọc (26 tuổi, Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết.
Còn với những người “sợ hãi” khi di chuyển bằng xe ôtô như anh Nguyễn Văn Nam (30 tuổi, Nghệ An) thì việc về quê nghỉ lễ bằng xe máy là phương án tối ưu nhất.
“Đi xe máy cũng có sự thuận lợi, muốn về khi nào thì về, quan trọng là phù hợp với người say xe ôtô như tôi” – anh Nam nói.
Theo ghi nhận của Lao Động, trong đêm 29.4 và ngày 30.4, có nhiều người dân điều khiển xe máy về quê nghỉ lễ. Trên xe những người này chở thêm đồ đạc, vali, tư trang cá nhân,… Trong đó có những người dân điều khiển xe máy về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thời điểm này, lưu lượng giao thông rất cao, do đó những người dân chọn về quê nghỉ lễ và quay lại thành phố sau lễ bằng xe máy phải hết sức cẩn thận để tránh dẫn đến những vấn đề nan giải trên suốt quãng đường đi.
Để đảm bảo an toàn trên suốt hành trình hàng trăm cây số, mọi người cần phải kiểm tra bảo dưỡng xe thật kỹ trước khi đi, tránh chạy ban đêm vì rất nguy hiểm với đèn pha xe lớn.
Trang bị thêm đồ bảo hộ áo ấm, găng tay, khăn quàng cổ, nón bảo hiểm có kính chắn gió.
Nên kết hợp vừa đi, vừa nghỉ ngắn đoạn để nạp lại năng lượng rồi chạy tiếp, đặc biệt là những người quê ở xa.
Đặc biệt, nên tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông như: Đi đúng tốc độ, đúng làn đường, phần đường (không đi sang làn ôtô) và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước khi lái xe…