TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, việc di chuyển, tiếp xúc nhiều trong dịp nghỉ lễ có thể tăng khả năng lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khi mắc COVID-19, nhiều người không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không xét nghiệm hoặc mắc bệnh nhưng không khai báo. Điều đó dẫn đến số người nhiễm COVID-19 tăng. Số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng theo.
Để hạn chế tình trạng trên, TS Trương Hồng Sơn cho rằng, người dân cần làm tốt các biện pháp dự phòng.
Thứ nhất, trước khi quyết định đi vui chơi, du lịch, người dân nên xem xét địa điểm đó có phải khu vực dịch bệnh đang lưu hành hay không và cập nhật thường xuyên tình hình dịch.
Thứ hai, người dân nên tìm hiểu trước về quy định phòng, chống dịch bệnh tại điểm đến, đặc biệt là các khu vực nước ngoài.
Thứ ba, bạn nên kiểm tra sức khỏe trước chuyến đi. Hãy đảm bảo bạn đã tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh và không mang dịch bệnh đến địa điểm du lịch. Trong trường hợp bạn chưa được tiêm chủng và bắt buộc phải đi du lịch, hãy xét nghiệm cả trước và sau chuyến đi.
Thứ tư, hãy chuẩn bị khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, thuốc, dung dịch điện giải đủ cho các thành viên gia đình trong suốt chuyến đi.
Thứ năm, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai… nên hạn chế đi du lịch trong những dịp cao điểm.
Khi phát hiện mắc COVID-19 người dân cần làm gì?
TS Trương Hồng Sơn cho rằng khi đến nơi du lịch hoặc về quê, người dân nên lưu ý hạn chế tụ tập. Nếu bắt buộc tham gia, bạn nên tuân thủ việc đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn. Tránh chạm tay vào các bề mặt nơi công cộng, tay nắm cửa, rửa tay/sát khuẩn ngay sau khi tiếp xúc các bề mặt này.
“Hãy đeo khẩu trang trong suốt chuyến đi, đặc biệt là khi tham dự các sự kiện đông người, sử dụng phương tiện công cộng. Nếu không khí nơi du lịch mát mẻ và dễ chịu, hãy tắt điều hòa và mở cửa sổ để tạo sự thông thoáng cho căn phòng. Nếu sử dụng điều hòa, bạn nên bật chế độ thông gió tối đa”, TS Sơn nói.
Trường hợp phát hiện mắc COVID-19 khi đang đi du lịch, TS Sơn khuyến cáo người bệnh cần đeo khẩu trang cả ngày, hạn chế tiếp xúc người xung quanh. Cách ly các thành viên gia đình, người đi chung với chuyến du lịch càng nhiều càng tốt.
Hãy ăn riêng hoặc nếu không thể, bạn nên là người ăn cuối cùng, sử dụng các dụng cụ cá nhân riêng (cốc, thìa, đũa, bát, chai nước…). Những vật dụng có dính giọt bắn của bệnh nhân (giấy ăn, khăn sau khi sử dụng) cần được vứt đi ngay.
Ông cũng cho hay người bệnh nên hạn chế sử dụng các dịch vụ công cộng. Nếu không thể cách ly với người thân, bạn cần mở tất cả cửa trong phòng, khởi động hệ thống thông gió, quạt để lưu thông không khí.
Ngoài ra, bạn cần theo dõi các triệu chứng. Nếu có các triệu chứng tăng nặng (sốt cao, khó thở), người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong thời gian du lịch, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, xịt mũi, súc họng); đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, hoa quả.
Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thay vì cố gắng đi hết các điểm du lịch đã lên kế hoạch. Các phương án di chuyển cần chuẩn bị sẵn trong trường hợp cần thiết đối với người mắc COVID-19.
Sau khi kết thúc chuyến đi, trở về nhà, TS Sơn khuyến cáo bệnh nhân hãy tiếp tục đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc nếu vẫn dương tính với COVID-19.
Nếu âm tính, cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của người đi du lịch cùng chuyến, thành viên gia đình xem có xuất hiện triệu chứng không để có phương án xử lý kịp thời.
Bạn có thể tiến hành test nhanh sau khi du lịch trở về và test lại trong vòng 48 tiếng sau đó để khẳng định không mắc COVID-19 trong quá trình du lịch, tránh lây bệnh cho người nhà.
Những người đã mắc COVID-19 trong quá trình du lịch, sau khi trở về cần dành thời gian nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe để phục hồi.