Cùng với các cảnh báo về nguy cơ cháy nổ dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, lực lượng chức năng còn đưa ra các khuyến cáo với tới người dân việc phòng ngừa tội phạm trộm cắp, bởi trong các dịp lễ, Tết, kẻ gian thường hoạt động mạnh. Chúng nắm được sơ hở việc các gia đình, người dân, sinh viên về quê, đi du lịch để “hành nghề”.
Còn nhớ vài năm trước, đúng ngày lễ 30.4, gia đình bà N.N.T. (50 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) trở về nhà tại đường 4C thuộc khu dân cư Đại Phúc, ấp 5A, xã Bình Hưng thì phát hiện nhà có dấu hiệu bị người lạ đột nhập, cửa sổ lầu 1 bị cạy phá.
Qua kiểm tra, bà T. phát hiện bị mất nhiều tài sản gồm tiền mặt và nữ trang có giá trị ước tính khoảng 730 triệu đồng.
Cũng trong chiều 30.4, chủ nhà ở đường số 5, khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7 trở về nhà cũng phát hiện nhà có dấu hiệu bị kẻ gian đột nhập. Qua kiểm tra, gia chủ trình báo bị mất nhiều tài sản có giá trị gồm: tiền mặt, nữ trang, USD… trị giá khoảng 1,7 tỉ đồng.
Vào dịp lễ lớn 30.4 và 1.5, người dân được nghỉ dài ngày, là cơ hội để kẻ xấu ra tay trộm cắp.
Năm nay, người dân cả nước sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp nên nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi du lịch, đi chơi, về quê… không có người ở nhà trong thời gian nghỉ lễ.
Bên cạnh việc ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng ở các tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM… còn chốt trực tuần tra kiểm soát an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc tuần tra cũng chỉ có thời điểm, không thể quán xuyến hết được. Vì thế, người dân khi về quê nghỉ lễ, đi du lịch cần phải tự mình bảo vệ tài sản khi rời nơi ở.
Một điều đặc biệt, Công an Hà Nội và Công an TPHCM nhấn mạnh và đưa khuyến cáo tới người dân khi đi du lịch để đề phòng bị kẻ gian đột nhập vào nhà trộm cắp. Theo đó, người dân không nên chia sẻ thông tin cá nhân, lịch trình chi tiết của gia đình lên mạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, kẻ trộm chính là người quen của gia chủ.
Do đó, việc check-in, chia sẻ hành trình… đi du lịch của mọi người lên mạng xã hội, vô tình lại giúp kẻ gian nắm được kế hoạch đi lại của gia đình mình để lên kế hoạch trộm cắp của chúng.
Ngoài ra, theo Công an TPHCM, để chủ động đề phòng kẻ gian đột nhập, trộm cắp tài sản, người dân cần khóa cửa cẩn thận, kiểm tra kỹ tất cả các khu vực
Trộm có thể đột nhập vào nhà bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, trước khi đi vắng, ngoài việc khóa cửa cẩn thận, khóa cửa nhiều lớp thì người dân nên kiểm kỹ mọi ngóc ngách. Cửa lớn, cửa sổ, cửa hành lang, cửa ban công, cửa thông gió… đều cần được rà soát.
Nên nhờ người thân, bạn bè hoặc hàng xóm thân thiết trông nhà hoặc ít nhất là quan sát, kiểm tra và thông báo khi có điều bất thường xảy ra.
Các đối tượng trộm cắp thường xác định có người ra vào hoặc ở nhà hay không thông qua việc bật đèn vào ban đêm hoặc đặt mẫu quảng cáo, rao vặt ở cổng, vị trí mở khóa.
Vì vậy, các gia đình đi vắng nên nhờ người thân, hàng xóm bật đèn chiếu sáng và quan sát có tờ rơi trước nhà hay không.
Nếu có hãy lấy xuống, thu lại ngay lập tức. Trong trường hợp nhà có hệ thống chiếu sáng tự động, hãy hẹn giờ bật đèn để trộm tưởng rằng có người trong nhà.
Việc lắp camera và khóa chống trộm thông minh có thể giúp theo dõi tình hình ở nhà mọi lúc, mọi nơi. Nếu xảy ra vấn đề, chủ nhà có thể phát hiện kịp thời, báo người thân, hàng xóm, công an…
Ngoài ra, người dân còn có thể áp dụng một số biện pháp đánh động, đánh vào tâm lý của kẻ gian như khóa cửa từ bên trong (như có người ở nhà) hay đặt biển “nhà có chó dữ”, “khu vực có camera quan sát”.