Thời điểm cuối năm 2021, khi lãi suất chưa tăng, giá bất động sản vùng ven liên tục nổi sóng nhờ câu chuyện trúng đấu giá các lô đất với giá cao, cùng sự tham gia của các ông lớn, từ đó thiết lập mặt bằng mới.
Thời điểm đó, đa phần những người mua không có nhu cầu thực mà chỉ chờ lướt sóng kiếm lời. Tình trạng mua lướt sóng kiếm lời diễn ra thời gian dài khiến đất phân lô ngoại thành rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Báo Lao Động cũng đã có loạt bài phản ánh về tình trạng này. Theo đó, hình thức phân lô tách thửa tại các khu vực như: Thạch Thất, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai… nổi lên rầm rộ. Các mảnh đất rộng được phân lô thành các mảnh nhỏ diện tích từ 60 – 80m2 và được thổi giá cao ngất ngưởng.
Trước tình trạng rầm rộ phân lô, tách thửa, tháng 3.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội ban hành văn bản 1685 đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.
Cũng trong năm 2022, cùng với thị trường khó khăn, một số chính sách được thắt chặt đã khiến đất nền vùng ven giảm về giá cũng như số lượng giao dịch.
Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở TNMT Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.
Mới đây, Sở TNMT Hà Nội bãi bỏ quy định trái luật, yêu cầu các địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách, hợp thửa theo quy định.
Việc cởi trói phân lô tách thửa đã khiến cho những nhà đầu tư ôm đất nền lâu nay có thêm hy vọng và liên tục rao bán trên các trang mạng dù vẫn ít có giao dịch.
Anh Nguyễn Văn Tú – một môi giới nhà đất lâu năm tại Hà Nội – chia sẻ, 1 tuần trở lại đây, anh bắt đầu rao bán 2 lô đất nền đang mắc kẹt ở Sơn Tây. Dù có nhiều người vào hỏi bởi giá đất anh đưa ra phù hợp với thị trường nhưng vẫn chưa có ai chốt.
“Người hỏi thì nhiều nhưng khi đàm phán đến giá thì họ lại nói cho thời gian để xem lại. Dù sao trong giai đoạn khó khăn này, đây vẫn là tín hiệu tốt” – anh Tú nói.
Ghi nhận trên một số trang rao bán bất động sản cho thấy, giá đất nền vẫn đang ở mức thấp nhưng nhiều sản phẩm được các môi giới tung ra.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp muốn quản chặt việc tách thửa, mua đi bán lại và đẩy giá đất, nên xem xét bổ sung thêm các quy định khác.
Chuyên gia bất động sản Trần Minh cho rằng, các quy định pháp luật không cấm việc phân lô, tách thửa, do đó nhiều người đã lợi dụng, biến tấu mục đích nhằm kiếm lời khiến thị trường trở nên xáo trộn.
Hiện nay, dù cho tách thửa nhưng việc đất nền ven đô diễn biến nóng trở lại sẽ không xảy ra. Về dài hạn, theo ông Minh, cần có những quy định bổ sung như nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại vùng ven cao hơn, đồng thời diện tích xây dựng chỉ được chiếm tỉ lệ nhất định diện tích đất.
“Việc cho phép tách thửa trở lại sẽ giúp các khu vực trước đó rầm rộ phân lô tách thửa phục hồi một phần thanh khoản. Tuy nhiên, việc loại hình đất này nóng sốt trong giai đoạn hiện nay là điều khó” – chuyên gia Trần Minh khẳng định.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội – cho rằng, dù được tách thửa trở lại nhưng hiện nay mức giá phải hợp lý, người mua mới sẵn sàng xuống tiền. Theo ông Điệp, việc này sẽ chỉ giúp thanh khoản cao hơn so với 6 tháng trước nhưng mức giá phải điều chỉnh.