Thỏa thuận Ấn Độ – Bangladesh
Ấn Độ và Bangladesh đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại nhằm thúc đẩy nỗ lực quốc tế hóa đồng rupee của Ấn Độ, giảm nhu cầu đồng USD và hỗ trợ xuất khẩu của Ấn Độ trong bối cảnh toàn cầu gặp khó khăn.
Ấn Độ – một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới – đã biến việc sử dụng đồng rupee trong các giao dịch quốc tế thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại thương năm 2023, theo Straits Times.
Các quan chức cho biết Ấn Độ sẵn sàng giao dịch bằng đồng nội tệ với các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại.
Thương mại toàn cầu đạt giá trị kỉ lục 32 nghìn tỉ USD vào năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chững lại trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng địa chính trị và lo ngại về lạm phát và giá cả hàng hóa cao, đặc biệt là năng lượng, thực phẩm và kim loại.
Ông Mezbaul Haque – giám đốc điều hành và phát ngôn viên của Ngân hàng trung ương Bangladesh – cho biết, động thái này sẽ mang lại lợi ích cho thương nhân của cả hai nước.
Ông nói: “Chúng tôi đã đồng ý về nguyên tắc đối với các giao dịch bằng đồng rupee và hiện chúng tôi đang làm thủ tục. Sẽ mất vài tháng để vận hành vì cần có sự cho phép của ngân hàng trung ương để mở tài khoản cho các nhà giao dịch. Chắc chắn, điều này sẽ làm giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, do đó sẽ khuyến khích các thương nhân kinh doanh nhiều hơn”.
Kim ngạch thương mại Ấn Độ – Bangladesh giai đoạn 2021-2022 là 18,2 tỉ USD.
Các ngân hàng Bangladesh sẽ thiết lập một tài khoản rupee, được gọi là tài khoản vostro, với các ngân hàng Ấn Độ, trong khi các ngân hàng Ấn Độ sẽ làm điều tương tự với các ngân hàng Bangladesh. Điều này sẽ cho phép các thương nhân Ấn Độ nhận và thanh toán bằng đồng rupee thông qua các tài khoản này. Tương tự, các thương nhân Bangladesh cũng có thể sử dụng đồng taka của mình để giao dịch.
Thỏa thuận giao dịch bằng đồng rupee giữa Bangladesh và Ấn Độ sắp đạt được sau khi Malaysia cũng đồng ý tiến hành giao dịch thương mại với Ấn Độ bằng đồng rupee.
Ngân hàng Liên minh Ấn Độ đã mở một tài khoản vostro đồng rupee đặc biệt với Ngân hàng Quốc tế Ấn Độ Malaysia (IIBM), cho biết điều này sẽ “giúp định giá tốt hơn cho hàng hóa và dịch vụ được giao dịch” và tiết kiệm chi phí chuyển đổi tiền tệ.
Tương tự, IIBM đã mở một tài khoản vostro đặc biệt bằng đồng rupee với Ngân hàng Liên minh Ấn Độ – Cao ủy Ấn Độ tại Kuala Lumpur cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thương mại song phương với Malaysia – đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ tại ASEAN – là 19,4 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2022.
Tham vọng của Ấn Độ
Năm 2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã quyết định cho phép thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng rupee để giúp thúc đẩy thương mại và đưa đồng tiền này ra quốc tế, phù hợp với nguyện vọng ngày càng tăng của Ấn Độ với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Ấn Độ cũng sẽ cho phép các nước sử dụng đồng rupee trong tài khoản của Ấn Độ để thanh toán cho các dự án và đầu tư vào chứng khoán chính phủ.
Theo báo chí Ấn Độ, RBI đã chấp thuận 60 yêu cầu mở tài khoản vostro bằng đồng rupee từ 18 quốc gia, bao gồm cả Anh và Đức. Truyền thông Ấn Độ đưa tin các cuộc thảo luận đang diễn ra với một loạt quốc gia khác như Cuba và Tajikistan.
Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal cho biết, Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu giao dịch đồng rupee trong thương mại quốc tế với một số quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại dự đoán những thách thức mà New Delhi sẽ phải đối mặt.
“Với nhiều quốc gia trong số này, Ấn Độ thực sự đang bị thâm hụt thương mại. Với Malaysia, chúng ta đang thâm hụt thương mại rất lớn. Trường hợp của Nga cũng vậy. Vì vậy, điều xảy ra là một quốc gia đối tác có thể phải gánh rất nhiều đồng rupee mà họ có thể không muốn” – chuyên gia ngoại thương Biswajit Dhar cho biết.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Malaysia là 5 tỉ USD trong năm 2021-2022. Với Nga, con số này vào khoảng 38 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4.2022 đến tháng 2.2023.
Đồng rupee mất giá nhiều nhất trong số các nền kinh tế mới nổi châu Á vào năm 2022.
Ý tưởng quốc tế hóa đồng rupee bắt nguồn sau khi Ấn Độ tìm cách hồi sinh thỏa thuận đồng rupee – rúp với Nga để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây trong cuộc chiến Ukraina.
Nhưng ý tưởng này vấp phải trở ngại, với việc Nga nói rằng các ngân hàng Ấn Độ có quan hệ với Mỹ cảnh giác với các lệnh trừng phạt, trong khi Nga cảnh giác khi nhận thấy mình có một đống rupee lớn.
Ấn Độ có mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng, đạt 2 nghìn tỉ USD vào năm 2030, tăng từ 770 tỉ USD năm 2022-2023.
Ông Najib Shah, cựu Chủ tịch Ủy ban Thuế quan và Hải quan Trung ương cho biết: “Từ quan điểm của Ấn Độ, có những lợi thế rất lớn. Nó sẽ giảm bớt áp lực lên đồng rupee và tiết kiệm ngoại hối. Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia, điều đó có nghĩa là các quốc gia cũng đang nhìn thấy một số lợi thế cho họ. Chúng ta phải chờ xem nó sẽ diễn ra như thế nào”.