Dở khóc dở cười với hành trình về quê trên ghế nhựa
Do công việc đặc thù, không có kế hoạch về quê nghỉ lễ 30.4 nên Lê Thị Huyền Trang (Thanh Hóa) không đặt vé tàu xe từ sớm. Đến phút chót, sau hàng giờ tìm kiếm trên mạng xã hội, Huyền Trang được người khác “chuyển nhượng” một vé tàu có tên “ghế phụ” với giá 186.000 đồng, di chuyển từ Thủ đô Hà Nội về Thành phố Thanh Hóa.
Khấp khởi hy vọng chuyến tàu lúc 22h ngày 28.4 sẽ yên bình, êm ả như những chuyến tàu Trang từng đi trước đó, nhưng không, hành trình này lại chứa đựng nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
“22h tàu khởi hành, tôi đã có mặt ở ga Hà Nội lúc 21h29. Ga quá đông đúc và tấp nập. Từng đoàn người đổ về sảnh chờ, người lớn kéo vali, trẻ con nheo nhóc rồng rắn thành đoàn. Ghế chờ không đủ chỗ, mọi người hết đứng lại ngồi ra sàn. Loa phát thanh, loa cầm tay vang lên dồn dập” – Huyền Trang kể.
Bất ngờ này chưa qua, bất ngờ khác đã đến, Huyền Trang lên tàu trong sự ngỡ ngàng vì hành lang toa tàu kín người. Hóa ra, “ghế phụ” chính là những chiếc ghế nhựa ngoài hành lang.
“Tôi chưa kịp định thần thì một chị gái nói: “Tìm chỗ đi, em có thể ngồi bất cứ chỗ nào trống”. Nhìn xung quanh, người trẻ, người già, trẻ con đều có, em ngơ ngác kéo ghế ngồi đối diện cây nước” – Huyền Trang nói.
Theo lời Huyền Trang, người lên xuống, ra vào, đi lại toa liên tục. Những người xung quanh cũng nép về một phía, dáng bộ không thể mệt mỏi hơn.
Một số người yên vị ngồi trên chiếc ghế phụ, nhưng nhiều người không thể chịu nổi nên đi lại vật vờ. Hễ thấy có ghế chính nào trống lại chen vào ngồi một lúc, đến khi chủ của chiếc ghế đó đến thì lại rệu rã rời đi.
“Tôi may mắn được nhân viên cho “ngồi ké” một ghế chính trống, nhưng chưa được 30 phút thì chủ ghế lên tàu, tôi lại vật vờ bên ngoài hành lang. Chuyến đi của tôi cứ hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại nhoài người trên lavabo (bồn rửa tay) ngủ thiếp, mỏi cổ quá lại đứng lên đi lại. Đây quả thực là chuyến đi dở khóc dở cười, cũng là trải nghiệm không thể quên” – Huyền Trang cười.
Vật vã vì tắc đường
Cũng chặng đường từ Thủ đô Hà Nội về Thành phố Thanh Hóa, di chuyển khoảng 150km, Nguyễn Nga mất 6 tiếng 30 phút mới về đến nơi.
Do công việc đặc thù và mang tâm lý đi sáng sớm để đỡ tắc đường, Nguyễn Nga chọn xuất phát từ 7h sáng ngày 29.4. Thế nhưng, trời đổ mưa trắng xóa, xe di chuyển chậm, cả đoàn xe cứ thế nối đuôi nhau đứng chôn chân từng đoạn.
“Trên địa bàn Hà Nội, tắc cứng ở đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ôtô nối đuôi nhau đi theo tốc độ… xe lu, thậm chí đứng im tại chỗ. Về đến Thanh Hóa thì ùn tắc kéo dài ở cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Trẻ con thì say xe, người lớn thì vật vờ ám ảnh. Đường về nhà ngày lễ đúng là bộ phim “kinh dị” như giới trẻ đùa vui nhiều ngày nay” – Nguyễn Nga ngao ngán.