Cử tri quan tâm đến công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí
Tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được 335 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Văn phòng Chính phủ đã rà soát, tổng hợp theo từng nhóm các kiến nghị có cùng nội dung, chủ đề; đồng thời chuyển lại Ban Dân nguyện một số kiến nghị không thuộc thẩm quyền hoặc đã được giải quyết từ các Kỳ họp trước.
Tổng hợp lại còn 273 kiến nghị, giảm 62 kiến nghị so với danh mục Ban Dân nguyện chuyển đến và đã trình Thủ tướng Chính phủ giao cho 22 Bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Số liệu tổng hợp theo phản hồi của các Bộ, cơ quan là 290 kiến nghị.
Qua theo dõi phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tập trung vào các vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm.
Theo báo cáo, cử tri nhắc đến Quy định số 69 ngày 6.7.2022 của Bộ Chính trị quy định rất cụ thể về xử lý kỷ luật đảng viên khi thực hiện kê khai không đúng, không đầy đủ, không trung thực trong kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng chưa có quy định pháp luật xử lý về mặt Nhà nước đối với các nội dung trong quy định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành quy định để việc xử lý về mặt Nhà nước kịp thời, đồng bộ với xử lý kỷ luật của đảng khi cán bộ, công chức là đảng viên vi phạm.
Gỡ khó cho ngành y
Để nhân viên ngành y tế dồn tâm lực trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế những sai sót trong mua sắm, không phù hợp với ngành nghề chính được đào tạo, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ có cơ chế giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, không chỉ cho ngành y tế, mà còn cho tất cả các ngành tham gia chống dịch.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, thang bảng lương riêng đối với đội ngũ cán bộ y tế, phù hợp với quá trình đào tạo, nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức y tế, tránh thất thoát nguồn lực và thu hút nhân tài cho ngành.
Mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có thể có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện.
Tuy nhiên, việc giao cho đơn vị chuyên môn mua sắm thực hiện mua sắm tập trung cũng có những khó khăn, hạn chế như phải cần thời gian để xây dựng năng lực của đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang thiết bị, hoá chất, thuốc cần nhiều thời gian trong khi mỗi đơn vị sử dụng có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hoá khác nhau, nhất là khi dịch bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp nếu không khẩn trương mua sắm sẽ không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.
Hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, tại một số địa phương đã hình thành đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, thuốc generic, vật tư, trang thiết bị y tế, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, nhưng cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp, qua đó thúc đẩy việc thành lập các đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện 26 mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hoá chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp trung ương và cấp địa phương. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.