Lộ thông tin cá nhân, người dân bị quấy rầy 24/7
Chị Phạm Thị Bích Ngọc (28 tuổi) – nhân viên văn phòng tại Hà Nội từng phẫn nộ, hét lớn trong điện thoại khi liên tiếp nhận được các cuộc gọi chào mời tham gia khóa học đầu tư chứng khoán, mua bán căn hộ, mua bảo hiểm… Chị Ngọc cho biết, trung bình một ngày, chị nhận được từ 4-5 cuộc gọi chào mời như vậy.
Những cuộc gọi này ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và chất lượng công việc của chị Ngọc, đặc biệt chúng làm phiền ngày, đêm, thậm chí 24/7. Nhiều lần, chị Ngọc gặng hỏi đầu dây bên kia rằng, tại sao lại có số điện thoại của chị. Song, những người này thường chỉ trả lời chung chung rằng: “Chị từng đăng kí tham dự chương trình bên em từ trước đó nên bên em đã lưu thông tin”. Thế nhưng, chị Ngọc biết rằng, dữ liệu của chị đã bị bán trên mạng xã hội, dẫn đến việc các cuộc gọi rác liên tục gọi đến số của chị. Bởi làm trong lĩnh vực marketing, không ít lần chị cũng được chào mời mua dữ liệu với mức giá “không thể bèo hơn”.
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra, song các đối tượng này sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau hòng qua mặt cơ quan chức năng. Những nhóm mua bán dữ liệu cá nhân có hàng chục nghìn thành viên trên Facebook thường có vòng kiểm duyệt gắt gao.
Khi phóng viên liên hệ với một tài khoản có tên Linh Phan, người này cho biết có tất cả dữ liệu khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hà Nội: họ tên, năm sinh, số điện thoại, số dư tài khoản… Mức giá mà người này đưa ra là 3.000 đồng/số điện thoại (trong trường hợp mua 1.000 số). Nếu mua với số lượng lớn, sẽ giảm xuống còn 2.500 đồng/số điện thoại. Tương tự, tài khoản Sơn Lê cho biết, có tất cả dữ liệu khách hàng đang có nhu cầu mua bán bất động sản trên toàn địa bàn Hà Nội.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Theo Luật sư Nguyễn văn Hậu – Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hành vi mua bán trái pháp luật dữ liệu cá nhân của người khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng 2015.
Về biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự, việc mua bán dữ liệu cá nhân của người khác nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện sẽ bị truy cứu về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo ông Hậu, việc mua bán dữ liệu cá nhân được ví là một “mỏ vàng” để nhiều người khai thác. Thế nhưng, các quy định chế tài hiện tại vẫn còn khá thấp đối với hậu quả mà hành vi vi phạm này có thể gây ra.
Ông cho rằng, nên tăng mức chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm trên lên phạm vi hàng trăm triệu đồng, áp dụng song song với biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu nộp lại số lợi bất hợp pháp. Như vậy mới có thể tăng được tính nghiêm trị của pháp luật, không để cho hành vi này tiếp tục diễn ra gây hậu quả nghiêm trọng đến người dùng.
Ngoài ra, công tác kiểm tra và phản hồi góp ý từ người dân của cơ quan chức năng cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn, chi tiết hơn và bao trùm hơn.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo Nghị định ban hành ngày 17.4, có hiệu lực từ 1.7.2023, dữ liệu cá nhân được bảo vệ, bảo mật và lưu trữ trong thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu. Chủ thể dữ liệu phải được biết về việc xử lý thông tin liên quan đến họ. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị kỉ luật, phạt hành chính hoặc hình sự.