Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, vào dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức trưng bày triển lãm “Chung một con đường” nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67 tại Hoàng thành Thăng Long) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đồng thời, tổ chức tour du lịch dành cho khách quốc tế “Đêm Hoàng Cung Thăng Long – Một cảm nhận độc đáo”, chương trình múa rối nước.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Quang cho biết tất cả các cán bộ trực được yêu cầu thực nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn). Du khách cũng sẽ được nhắc nhở liên tục về việc phòng dịch.
“Trong trường hợp đón một đoàn đông du khách đến Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi cũng sẽ thực hiện tách đoàn để đảm bảo công tác phòng dịch” – ông Quang cho biết.
TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, Trung tâm đã chỉnh trang cảnh quan xanh sạch đẹp, chuẩn bị hệ thống bán vé điện tử thuận tiện cho khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Đồng thời, Trung tâm tăng cường lực lượng cán bộ làm việc tại các vị trí, tiếp tục duy trì hoạt động của các trưng bày, triển lãm, khu vực trải nghiệm giáo dục di sản để phục vụ tốt khách tham quan.
“Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chúng tôi đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người lao động và khách tham quan. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm được tiêm đủ vaccine, trang bị vật dụng phòng hộ bảo đảm an toàn khi tiếp xúc với khách tham quan.
Mọi khu vực của di tích được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Trung tâm cũng tích cực truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong di tích, bảo đảm du khách thực hiện nghiêm quy định” – TS Kiêu cho biết.
Giám đốc Trung tâm cũng cho hay, các dịch vụ trong di tích có ứng dụng công nghệ, xây dựng các sản phẩm thực tế ảo, hệ thống thuyết minh tự động nhằm linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu của khách tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hóa khoa học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Cùng với Hoàng thành Thăng Long hay Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều di tích lịch sử văn hoá khác trên địa bàn Hà Nội như Di tích Nhà tù Hoả Lò (quận Hoàn Kiếm); Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây); Làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa (huyện Đông Anh) … cũng đã sẵn sàng các chương trình phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm nhân dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Trong khi đó, tại Bảo tàng Dân tộc học, từ ngày 29.4 đến 30.4, sẽ có các hoạt động giới thiệu nghệ thuật múa rối nước truyền thống và chương trình tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc qua hoạt động trải nghiệm trang phục truyền thống Hanbok Hàn Quốc.
Còn tại Vườn thú Hà Nội, ngoài tham quan, tìm hiểu các loài động vật, người dân và du khách có thể tham dự chương trình “Nói chuyện với động vật Vườn thú” với 2 buổi là: Nói chuyện về loài Công Việt Nam (vào ngày 30.4) và nói chuyện về loài Vượn đen, má trắng (ngày 1.5).
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 5 ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và các ngày lễ 30.4, 1.5, sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn diễn ra tại nhiều địa điểm của Thủ đô để người dân và du khách dễ dàng lựa chọn, trải nghiệm.
Kì nghỉ lễ năm nay, du lịch Hà Nội dự kiến đón 2,24 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng 20,3% so với cùng kì 2022, tăng 6% so với tháng 3.2023.
Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 439.000 lượt, tăng 7 lần so với cùng kì năm 2022, tăng 5,8% so với tháng 3.2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt, tương đương cùng kì năm 2022, tăng 6% so với tháng 3.2023.