Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Việc dừng triển khai các dự án mới đã ảnh hưởng đến nguồn cung ở ngoài thị trường khiến môi giới không có sản phẩm để bán.
Từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Bảo Yến – nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở tại khu đô thị An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) – cho biết, 3 tháng nay nhóm chị Yến vẫn có giao dịch nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đáng nói, lợi nhuận từ các giao dịch, sau khi trừ các chi phí đã bỏ ra, là không đáng kể. Do đó, chị Yến và một số thành viên khác đang bán thêm quần áo online để tăng thu nhập.
Cũng theo chị Bảo Yến, nhiều nhân viên kinh doanh trong nhóm đã nghỉ việc, chuyển sang làm các nghề khác do nhiều tháng liền không có giao dịch.
“Có bạn thì xác định nghỉ hẳn, bạn thì xác định nghỉ tạm thời, chờ thị trường khởi sắc sẽ quay trở lại bán bất động sản” – chị Yên nói thêm.
Trong khi đó, Giám đốc một sàn giao dịch (xin giấu tên) có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nhiều môi giới đã bỏ nghề, một số đội, nhóm của sàn ông tan rã do không “trụ” được sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch.
Theo số liệu thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Với việc số lượng sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa gia tăng, dẫn đến lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc cũng tăng theo.
VARS cho biết, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80% ngay trong quý I/2023.
Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm 2023. Nhiều sàn giao dịch cho 50% môi giới nghỉ việc không lương.
Nguyên nhân là do các môi giới bất động sản không nhận được lương trong nhiều tháng do không có “hàng” để bán. Sang đến năm 2023, tình hình môi giới bất động sản cũng không khả quan hơn khi số lượng môi giới tự bỏ nghề gia tăng.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn, chưa thể phục hồi nhanh khi các vướng mắc pháp lý, dòng vốn chưa được tháo gỡ.
Nhiều doanh nghiệp phải tự chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh, chấp nhận lỗ trong giai đoạn dài, thậm chí một năm nuôi quân, chuẩn bị tốt lực lượng để khi thị trường phục hồi, có nguồn hàng mới thì sẵn sàng bán hàng ngay.