Tài khoản định danh điện tử tương đương thẻ căn cước
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân trên môi trường điện tử.
Quy định của pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật (như Nghị định số 137/2015, Nghị định số 37/2021, Nghị định số 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử…).
Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm: các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công;
Và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.
Do vậy, việc mở rộng, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật Căn cước công dân (bao hàm cả nội dung về tài khoản định danh điện tử) là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Luật Căn cước công dân năm 2014 đã quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và quản lý, cấp thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý dân cư được toàn diện, cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Theo đó, việc bổ sung quy định về tài khoản định danh điện tử, việc quản lý người gốc Việt Nam là rất cần thiết.
Thực tiễn hiện nay, trên cơ sở khai thác, xác thực thông tin trong dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cũng đang triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân (theo Nghị định số 59/2022).
Giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử là tương đương với thẻ căn cước công dân. Do vậy, việc quy định những nội dung này tại dự án Luật là phù hợp.
Mỗi công dân có 1 căn cước điện tử
Luật Căn cước công dân (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Thời điểm này cũng phù hợp với quy định về thời gian chuyển tiếp để áp dụng tài khoản định danh điện tử quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Do vậy, không cần thiết phải bổ sung quy định chuyển tiếp về áp dụng tài khoản định danh điện tử tại dự thảo Luật này.
Theo Bộ Công an, Luật Căn cước mới sẽ mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.
Điều đó để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư, như bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…
Tất cả để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Trong dự thảo Luật Căn cước công đề cập đến căn cước điện tử. Người dân sử dụng căn cước điện tử sẽ có nhiều tiện lợi trong các thủ tục giao dịch hành chính.
Đây là một trong những quy định được bổ sung; theo đó, thông tin căn cước của người dân chính là thông tin dùng để xác định danh tính điện tử và tạo lập tài khoản định danh điện tử (gọi là căn cước điện tử).
Mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử.
Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân. Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước;
Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Hiện nay, hệ thống định danh và xác thực điện tử được thiết kế có thể đáp ứng được 180 triệu lượt truy cập/ngày vào ứng dụng VNeID.