Phải giảm biên chế nên thiếu càng thêm thiếu
Có gần 40 ý kiến của những người làm công tác giáo dục gửi đến Bí thư Tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều lãnh đạo quản lý giáo dục thông tin, hiện nay, số lượng giáo viên, nhân viên ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định khi thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Lý Sơn, Đức Phổ… nhất là ở bộ môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật… ở cấp THPT. Vì vậy, cần cho tăng chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng.
Bà Hà Đinh Thị Phương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Sơn Hà – cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, theo lộ trình, sắp tới vẫn phải giảm biên chế nên thiếu càng thêm thiếu.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi lý giải, chủ trương, quyết định tinh giản biên chế đến 2026 của Bộ Chính trị được thực hiện trên tất cả lĩnh vực sự nghiệp, kể cả giáo dục và đào tạo. Ban Tổ chức Trung ương giao biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2026, theo đó biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi phải giảm 2.329 biên chế. Gánh nặng phải giảm biên chế của các lĩnh vực sự nghiệp còn lại là rất lớn.
Thời gian qua, thực trạng biên chế sự nghiệp giáo dục ở cấp học tiểu học và mầm non ở Quảng Ngãi còn thiếu so với định mức. Việc thực hiện tinh giản biên chế Trung ương tính cả lĩnh vực sự nghiệp giáo dục là không phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về định mức biên chế giáo viên. Những nội dung này, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần tổng hợp, kiến nghị và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương để xem xét, giải quyết.
Ngại dạy học ở vùng sâu
Hiện ở Quảng Ngãi, một số môn học không có giáo viên đăng ký nộp hồ sơ tuyển dụng (Âm nhạc, Mỹ thuật) hoặc nộp hồ sơ rất ít (Tiếng Anh, Tin học, giáo viên mầm non, giáo viên Tiểu học…) gây nhiều khó khăn cho việc tuyển dụng viên chức hằng năm, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Nguyên nhân là do các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu giáo viên các môn học theo Chương trình GDPT 2018, một số ứng viên thi đậu nhưng không nhận quyết định tuyển dụng vì phải đi miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn hoặc khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ứng viên chỉ tập trung về đồng bằng, khu vực đô thị.
Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi – cho rằng, thực trạng thiếu giáo viên sẽ khó giải quyết triệt để vì số lượng giáo viên luôn biến động bởi nhiều yếu tố khác nhau như nghỉ hưu, chuyển việc… Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, trước đây, giáo viên bậc tiểu học, mầm non chỉ cần có bằng trung cấp, nhưng nay, Luật giáo dục 2019 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng và tiểu học phải có trình độ đại học. Việc thi tuyển giáo viên, nhất là ở miền núi gặp nhiều khó khăn do quy định về bằng cấp nên nguồn tuyển hạn chế.
“Hơn nữa, sinh viên sau khi tốt nghiệp có tâm lý e ngại công tác ở miền núi vì điều kiện ăn ở, đi lại của giáo viên, nhất là nữ rất khó khăn nên ít đăng ký thi tuyển tại các địa bàn này” – ông Nguyễn Ngọc Thái tâm sự.