Gia đình đã có truyền thống trồng rừng và gắn bó với rừng vài chục năm nay nên anh Nịnh Văn Lìn ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn, Tuyên Quang) hơn ai hết hiểu rõ giá trị của cái nghề này. Minh chứng là những cánh rừng cây keo gỗ lớn của anh Lìn đã gần chục năm tuổi với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Đưa PV mục sở thị cánh rừng keo lai sau nhà, anh Lìn cho biết: “So với các cây ngắn ngày, trồng rừng để lâu năm cho thu nhập ổn định hơn nhiều. Trồng rừng 6-7 năm tuổi năng suất trung bình chỉ 70-80 m3. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận hàng năm đạt 6 triệu đồng/ha. Thế nhưng nếu chuyển hoá sang cây gỗ lớn với chu kỳ hơn 10 năm sẽ cho năng suất trên 150 m3. Từ đó lợi nhuận cũng tăng gấp đôi, gấp 3”.
Thu nhập bằng nghề trồng rừng cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, từ một hộ khó khăn, sau khi quyết định gắn bó với cây gỗ lớn, anh Lìn đã thành lập được hợp tác xã và dựng xưởng chế biến gỗ riêng. Xưởng sản xuất của anh sử dụng hoàn toàn gỗ nguyên liệu để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước mỗi năm thu về trên 400 triệu đồng.
Gần đó, nhà ông Nguyễn Đức Bình hiện duy trì trên 12 ha đất rừng với chủ yếu là các loại keo lai, keo tượng lấy gỗ. Trồng rừng vốn là nghề chính của cả thôn nhưng trước kia người dân làm theo kiểu nhỏ lẻ, cây còn non đã bán nên hiệu quả mang lại không cao. Vừa rồi ông Bình đã đăng ký chuyển 4 ha rừng hiện có sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10-12 năm để tăng sản lượng và giá trị khi thu hoạch.
Theo ông Bình, hiện gia đình 4,2 ha ở năm thứ 8, nếu giờ thu hoạch thì cũng chỉ làm gỗ dăm giá trị đạt 107 triệu đồng/ha còn để thêm 4-5 năm nữa với giá thị trường hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Lợi nhuận nữa là rừng lớn không tốn chi phí đầu tư giống, chăm sóc, chỉ cần trông nom, bảo vệ.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sự – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ – khẳng định, kinh tế rừng đã giúp bộ mặt của địa phương thay đổi rõ rệt. Với hơn 4.600 ha rừng tự nhiên trong đó, gần 80% diện tích là đất lâm nghiệp đã giúp thu nhập của nhiều gia đình hàng năm lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có những gia đình hàng tỉ đồng.
“Quá trình trồng cây gỗ lớn được áp dụng các kĩ thuật lâm sinh, tuyển chọn giống, giá trị kinh tế của cây cao nên cho hiệu quả lớn. Nhờ trồng cây lâu năm, cuộc sống của người dân xã Tiến Bộ có chuyển biến rất tích cực so với nhiều năm về trước. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân để diện tích rừng gỗ lớn tăng lên” – ông Sự cho hay.
Ông Lý Xuân Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang – cho biết, diện tích rừng trồng hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại đa lợi ích, tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc; tăng hiệu quả kinh tế, hiện tại giá trị rừng gỗ lớn gấp 3-4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Minh chứng là sản lượng gỗ khai thác năm 2022 vừa qua cho thấy rõ nhất giá trị kinh tế của diện tích rừng gỗ lớn mang lại.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang có nhiều khuyến khích với người trồng rừng khi hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha. Chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/ha.