Chị Phạm Thị Lý (37 tuổi) – công nhân làm việc ở Đồng Nai nói: “Đi du lịch là một khái niệm xa xỉ với công nhân chúng tôi. Năm nào cũng vậy, tôi đã quen nhưng năm nay vừa buồn lại vừa lo lắng”.
Đầu tháng 4, chị Lý nhận được thông báo công ty sẽ làm giờ hành chính, không có tăng ca do tình hình đơn hàng gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa thu nhập giảm đáng kể chỉ còn hơn 6 triệu đồng mỗi tháng.
Chưa hết, trước nghỉ lễ 1 tuần, công ty thông báo không có thưởng ngày lễ, mong công nhân thông cảm. Đồng thời, công nhân nào còn phép phải cắt nghỉ thêm 1 ngày. Như vậy, bản thân được nghỉ tổng cộng 5 ngày lễ càng khiến nữ công nhân buồn phiền vì 5 ngày này chỉ tính theo lương cơ bản.
Chồng chị Lý chạy xe ôm công nghệ, thu nhập cũng không cao. Mỗi tháng, gia đình nhỏ 3 thành viên phải tốn hơn 6 triệu đồng tiền chi phí sinh hoạt, thuê phòng. Chị Lý còn phải gửi về cho mẹ ở quê 2 triệu đồng/tháng để nuôi đứa lớn của chị đang theo học cấp 3.
Sau khi trừ hết chi phí chẳng còn lại bao nhiêu nên gia đình chị Lý quyết định sẽ không đi du lịch kể cả ở trong tỉnh hay lân cận. Hai vợ chồng nữ công nhân tính cho con út đi chơi công viên hoặc trung tâm thương mại sau đó về nghỉ ngơi, chồng chị Lý vẫn tranh thủ thời gian để chạy xe kiếm thêm thu nhập.
Về quê đi làm công nhân được 2 năm nhưng chưa năm nào chị Nguyễn Thị Hoài (24 tuổi, Nam Định) biết thưởng 30.4, 1.5 là gì. Năm nay, kinh tế của gia đình chị cũng khó khăn cộng thêm phải tiết kiệm cho mục tiêu mua nhà sắp tới nên chị quyết định sẽ chỉ đi chơi gần trong tỉnh chứ không đi du lịch xa.
“Nhà tôi cách biển 15km, trung tâm thương mại hơn 20km. Đây cũng là khu vực được rất nhiều người lựa chọn thư giãn vào những ngày nghỉ. Vì thế, gia đình tôi tính chỉ đi biển hoặc trung tâm thương mại, vui chơi, ăn uống đơn giản để tiết kiệm chi phí chứ không muốn đi xa” – chị Hoài nói.
Chị Nguyễn Thị Thuận (28 tuổi, Nam Định) cũng ngậm ngùi: Số tiền thưởng của công ty không đủ để đổ tiền xăng đi chơi. Nếu đi du lịch sẽ vô cùng tốn kém.
Năm nay, chị Thuận được công ty thưởng 50.000 đồng còn chồng được tặng một thùng sữa tươi nhân dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Thuận khoảng 16 triệu đồng/tháng. Lúc công ty ít việc, chỉ làm giờ hành chính thu nhập giảm sút còn hơn 10 triệu đồng. Hàng tháng, số tiền chi tiêu cho 4 thành viên đã hơn 5 triệu đồng, cộng các khoản phát sinh khác, tiền tích lũy cũng không còn bao nhiêu.
“Ban đầu hai vợ chồng dự định sẽ đi Quảng Ninh nhưng trước ngày nghỉ lễ 1 tuần, tôi có gọi điện đặt xe và phòng thì chi phí vô cùng đắt đỏ. Cả gia đình 4 thành viên nhẩm tính cũng tốn kém ít nhất 5 triệu đồng cho chuyến du lịch 2 ngày tại đây” – chị Thuận nhẩm tính.
Bên cạnh đó, năm nào vào dịp nghỉ lễ chị Thuận cũng được mẹ ruột gọi về phụ giúp bán hàng vì những ngày này người mua rất đông. Ngoài ra, theo nữ công nhân, nếu đi vào dịp lễ sẽ rất đông đúc, mệt mỏi thậm chí còn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Vì thế, gia đình chị quyết định sẽ lui lại thêm một vài năm nữa khi các con lớn hẳn, kinh tế ổn định và dư dả sẽ tổ chức một buổi du lịch đúng nghĩa. Còn bây giờ, du lịch vẫn là điều gì đó xa xỉ với gia đình nữ công nhân.